Như DĐDN đã đưa tin, Theo Báo cáo Phát triển bền vững từ kết quả khảo sát dành cho CxO 2023 với chủ đề Thúc đẩy chuyển đổi xanh vừa được Deloitte công bố, 75% các lãnh đạo (CxO) cho biết tổ chức của họ đã tăng đầu tư vào phát triển bền vững trong năm qua, gần 20% trong số đó cho biết các khoản đầu tư đạt mức “tăng đáng kể”.

Khuyến nghị thúc đẩy doanh nghiệp chuyển dịch xanh

Deloitte đưa ra những khuyến nghị về một chương trình hành động toàn diện tới các hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu mà các doanh nghiệp trên toàn cầu đang thực hiện.

Cùng với đó, phần lớn các CxO tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ đã gặp phải tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu theo những cách nhất định trong năm qua, và 82% CxO cho biết cá nhân họ cũng đã bị ảnh hưởng. Các nhà lãnh đạo còn cho biết khó khăn trong việc đo lường tác động đến môi trường và chi phí đầu tư vào phát triển bền vững là những rào cản chính trong nỗ lực thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu.

Chi phí là rào cản

Báo cáo cũng cho thấy, các hành động chống biến đổi khí hậu tiếp tục được triển khai, nhưng thách thức vẫn còn đó. Cụ thể, các tổ chức đang triển khai nhiều hành động, ví dụ như 59% sử dụng nhiều nguyên vật liệu bền vững hơn, 59% tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, 50% đào tạo nhân viên về những hành động chống biến đổi khí hậu, 49% đang phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường.

Họ cũng đang tăng cường nỗ lực thích ứng với tình trạng khí hậu: 43% hiện đại hóa hoặc di dời các cơ sở hoạt động để tăng khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu; 40% mua bảo hiểm trước những rủi ro thời tiết khắc nghiệt; 36% hỗ trợ tài chính cho những nhân viên bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.

Tuy nhiên, giống như năm ngoái, các công ty ít có khả năng thực hiện được các hành động chứng minh rằng họ đã lồng ghép những cân nhắc về khí hậu vào văn hóa doanh nghiệp và có được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao để tạo ra những thay đổi thực sự ý nghĩa. Ví dụ, 21% CxO cho biết tổ chức của họ không có kế hoạch ràng buộc lương thưởng của lãnh đạo cấp cao với hiệu suất của các hoạt động bền vững và 30% cho biết họ không có kế hoạch thuyết phục chính phủ hỗ trợ các sáng kiến về khí hậu. 

Ngoài ra, khi được hỏi về mức độ tận tâm đối với các nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu của các khu vực kinh tế, chỉ có 29% CxO cho biết họ tin rằng các doanh nghiệp tư nhân thể hiện sự tận tâm “rất cao”. Gần một phần tư CxO cho biết một trong những rào cản hàng đầu là khó khăn trong việc đo lường tác động đến môi trường, và gần 1/5 nhận định chi phí cùng tập trung vào các ưu tiên ngắn hạn là rào cản.

Nhiều tổ chức quan ngại về vấn đề “chuyển đổi công bằng” (just transition) – hướng tới việc đảm bảo những lợi ích to lớn của việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh được chia sẻ rộng rãi, đồng thời hỗ trợ các bên liên quan bị thiệt hại về kinh tế – nhưng mức độ quan ngại có sự khác biệt lớn giữa khu vực và quốc gia. Khu vực châu Á Thái Bình Dương đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi công bằng trong khi các quốc gia Châu Âu và Mỹ ít xem vấn đề này là ưu tiên.

Khuyến nghị thúc đẩy chuyển dịch xanh

Khảo sát năm 2023 của Deloitte cho thấy, cả các tổ chức và nền kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục tăng trưởng, đồng thời đạt được các mục tiêu về khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Vậy, họ có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách giữa tham vọng và tác động, phá vỡ những rào cản để có những hành động quyết liệt hơn, và bắt đầu cân bằng giữa chi phí ngắn hạn cho các giải pháp khí hậu và lợi ích trong dài hạn? 

Khuyến nghị thúc đẩy doanh nghiệp chuyển dịch xanh

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm được cách đi của riêng mình để chính thức bắt đầu hành trình phát triển bền vững một cách bài bản và tiệm cận nhất với cách tiếp cận trên toàn cầu.

Báo cáo của Deloitte đưa ra một số khuyến nghị để các CxO tham khảo và bắt đầu hành động. Các khuyến nghị bao gồm: Lồng ghép mục tiêu khí hậu vào chiến lược tổng quan và mục đích của doanh nghiệp; xây dựng niềm tin thông quan việc triển khai những hành động chống biến đổi đáng tin cậy; trao quyền cho hội đồng quản trị; khuyến khích các bên liên quan hành động; đầu tư vào công nghệ của hôm nay và mai sau; hợp tác để thúc đẩy thay đổi ở cấp độ hệ thống.

Bà Trần Thúy Ngọc, Lãnh đạo phụ trách dịch vụ Quản trị Biến đổi khí hậu & Phát triển bền vững, Deloitte Việt Nam chia sẻ: “Tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, các giám đốc điều hành (CEO) và ban điều hành cũng đang nhận thấy tác động của biến đổi khí hậu tới doanh nghiệp của họ. Các doanh nghiệp có thể ở những mức độ thách thức và có những mối quan ngại khác nhau trên hành trình chống biến đổi khí hậu, nhưng tất cả đều cần nhanh chóng chuyển từ giai đoạn từ nhận thức – “tại sao” sang hành động – “làm thế nào”.
Deloitte đưa ra những khuyến nghị về một chương trình hành động toàn diện tới các hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu mà các doanh nghiệp trên toàn cầu đang thực hiện. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm được cách đi của riêng mình để chính thức bắt đầu hành trình phát triển bền vững một cách bài bản và tiệm cận nhất với cách tiếp cận trên toàn cầu.”