Friday, November 29, 2024

Tranh cãi tiếp viên hàng không ‘bắt’ bà bầu nhặt bỏng ngô rơi trên sàn máy bay

Bài viết do vận động viên bóng chày Anthony Bass đăng tải trên Twitter tố tiếp viên hãng hàng không United Airlines bắt vợ anh phải dọn bỏng ngô do hai con nhỏ làm vương vãi trên sàn máy bay đang dấy lên cuộc tranh cãi trên mạng xã hội.

Tiếp viên hàng không có phải dọn rác?

“Tiếp viên đã bắt người vợ đang mang thai 22 tuần của tôi phải quỳ gối nhặt đống bỏng ngô do 2 đứa con 5 tuổi và 2 tuổi làm rơi trên sàn máy bay. Các bạn đùa tôi à?”. Vận động viên bóng chày nổi tiếng của Canada đăng tải trên Twitter hôm 16.4.

Tranh cãi tiếp viên hàng không

Hình ảnh con của vận động viên bóng chày Anthony Bass làm rơi bỏng ngô trên sàn máy bay

Theo thông tin từ NBC Los Angeles và Access Hollywood, Anthony kết hôn với Sydney Rae James, em gái của ca sĩ nhạc đồng quê Jessie James Decker. Decker cũng đã chia sẻ sự việc trên thông qua một dòng trạng thái trên story đã hết hạn của Instagram, nói rằng em gái của cô đang trải qua một thai kỳ với rủi ro cao và cô đã nhắn tin động viên về sự cố bỏng ngô trên máy bay. Decker còn viết rằng “cô em gái tội nghiệp” của cô đã bật khóc và cảm thấy bị sỉ nhục khi đang kiệt sức với những đứa con của mình, trước sự chứng kiến của mọi người.

Bên dưới bài đăng của Anthony Bass, đại diện United Airlines phản hồi đã nhận được phản ánh và khẳng định sẽ kiểm tra rõ vấn đề này. Trong một thông báo vài ngày sau đó, Hiệp hội Tiếp viên hàng không, đại diện cho các thành viên phi hành đoàn của United Airlines cho biết: “Các nhân viên và khách du lịch của chúng tôi chia sẻ cùng một không gian. Chúng tôi muốn không gian này phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người trên máy bay và cần có các quy tắc an toàn nghiêm ngặt. Chúng tôi không thể làm điều đó một mình”, CNN dẫn lại thông báo. Công đoàn của hãng máy bay này cũng đã từ chối giải quyết khiếu nại của Anthony vì thiếu thông tin.

Bài đăng của Anthony gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi nhiều cư dân mạng không đồng tình với quan điểm này. Một ý kiến cho rẳng: “Nếu bạn đã định cho con mình ăn bỏng ngô thì cũng phải sẵn sàng nhặt các hạt rơi vãi”. Một người khác bình luận: “Phụ nữ mang thai vẫn có thể cúi xuống. Nếu bạn không muốn làm thế thì giải pháp tốt nhất là không cho trẻ ăn bỏng ngô trên máy bay”. Thậm chí, có tài khoản tự nhận mình là cựu tiếp viên hàng không còn phản ứng gay gắt: “Tiếp viên hàng không có mặt trên máy bay để đảm bảo an toàn cho bạn, không phải để dọn rác cho bạn hoặc con bạn”.

Trong khi đó, không ít người phẫn nộ cho rằng tiếp viên hàng không bắt một bà bầu quỳ gối dọn rác là điều không thể chấp nhận được. Kể cả do con của họ bày ra. “Trách nhiệm của ngành dịch vụ là làm hài lòng khách hàng, hơn nữa rõ là cô ấy đang mang thai”, một cư dân mạng bình luận.

Quan trọng là sự thấu hiểu, cảm thông

Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Việt Cường, Giáo viên bộ môn Kỹ năng dịch vụ và Chăm sóc khách hàng của Đoàn tiếp viên Vietravel Airlines, nhận định: Về nguyên tắc, không có quy định, quy trình nào bắt hành khách phải tự dọn rác, dọn các đồ ăn hoặc vật phẩm khác mà mình sơ ý làm rơi, vỡ hoặc do các yếu tố liên quan đến thời tiết xấu ảnh hưởng tới chuyến bay. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một văn hóa riêng, mỗi hãng hàng không cũng có văn hóa doanh nghiệp khác biệt. Điều này quyết định đến văn hóa giao tiếp và kỹ năng dịch vụ của tiếp viên trên chuyến bay.

Theo ông Cường, tại Việt Nam, thông thường khi gặp các sự cố như vậy, tiếp viên sẽ hỗ trợ hành khách cùng khắc phục. Nhận thấy nếu hành khách bất khả kháng trong việc tự dọn dẹp, hoặc hành khách là những đối tượng đặc biệt như người khuyết tật, người cao tuổi, già yếu, khiếm thị… thì tiếp viên sẽ là người chịu trách nhiệm làm việc này để giữ gìn an toàn vệ sinh khoang khách cũng như sự thoải mái cho hành khách trên chuyến bay. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách không bị trượt ngã bởi rác thải trên chuyến bay trong trường hợp cần thoát hiểm khẩn cấp.

Thực tế, có những chuyến bay, có nhiều hành khách để các em bé nghịch và làm bẩn sàn, ghế, các vật dụng khác của máy bay, thì tiếp viên sẽ có trách nhiệm giao tiếp, nhắc khéo léo hành khách trông chừng em bé để hạn chế việc phá phách, nghịch ngợm, làm ảnh hưởng đến sự thoải mái của các hành khách khác. 

“Ở khía cạnh này, tiếp viên hàng không phải được huấn luyện kỹ về thái độ giao tiếp và kỹ năng xử lý tình huống, thông qua các bộ quy tắc ứng xử của mỗi doanh nghiệp hàng không. Hơn tất cả, tiếp viên phải là người biết cảm thông, thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận và từ đó đưa ra quyết định” – ông Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img