Hoạt động khai thác cát trên sông Dinh đoạn chạy qua xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang gây ra hệ lụy môi trường nghiêm trọng, nhiều điểm bị sạt lở ăn sâu vào bờ khiến đất sản xuất nông nghiệp của người dân đang dần bị dòng sông nuốt chửng.
Sông Dinh một dòng sông bao đời này luôn hiền hòa và trong xanh, có ý nghĩa quan trọng phục vụ nước tưới tiêu nông nghiệp cho cả một vùng rộng lớn phía nam huyện Bố Trạch và phía bắc thành phố Đồng Hới, nhưng giờ đây dòng sông này đang ngày đêm oằn mình chịu cảnh tra tấn của các cá nhân doanh nghiệp khai thác cát.
Phóng viên Môi trường và Đô thị nhận được phản ánh của người dân sống tại hai bên bờ dòng sông Dinh đoạn qua xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình về tình trạng nhiều đơn vị cá nhân và doanh nghiệp khai thác cát trong nhiều năm qua làm biến dạng dòng sông, hai bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp nhận phản ánh, phóng viên đã có mặt để ghi nhận thực tế về tình trạng trên, thời điểm ghi hình chúng tôi chứng kiến hàng loạt máy bơm chuyên dụng dùng để hút cát cắm sâu xuống lòng sông và hai bên bờ sông đang hì hục hút sạch tài nguyên của dòng sông này, khiến cho cả một đoạn sông dài chạy qua xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch bị biến dạng
Khi lòng sông đang dần cạn kiệt nguồn cát thì củng là lúc các máy hút cát càng tiến sâu vào hai bên bờ hơn, tình trạng sạt lở ở đây đã đến mức đáng báo động, đất sản xuất nông nghiệp của người dân sống hai bên bờ đang dần bị nuốt chửng bởi vòi hút cát đi tới đâu là khu vực đó bị sạt lở nghiêm trọng.
“Dòng sông thay vì mau nước trong xanh thì giờ đục ngàu vàng ố không biết có con chi sống được dưới cái dòng nước ni nữa không, đất đai thì nhiều hộ bị sạt lở ghê lắm, đấy chú coi vòi họ hút vô tận bờ rứa không sạt lỡ mần răng được” Bà N.T.L người dân sống gần con sông bức xúc cho biết.
Trong khi đó quy định của pháp luật về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đã rất rõ ràng cụ thể; Tại mục a, khoản 1, điều 15 Nghị định 23/2020/NĐ-CP nêu rõ. Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định; tuy nhiên ở khu vực xã Nam Trạch các đơn vị khai thác cát dường như phất lờ những quy định của pháp luật mặc nhiên cắm các vòi hút vào sát hai bên bờ sông để khai thác cát.
Cát sau khi được hút thay vì tập kết lên bờ chờ rút hết nước rồi mới vận chuyển đi thì các mỏ này lại tập kết ngay giữa lòng sông chờ mỗi khi xe tới sẽ dùng máy hút thẳng lên xe và đem đi tiêu thụ, việc tập kết cát ngay giữa lòng sông sẽ khiến dòng chảy có khả năng bị thay đổi. Đặc biệt về mùa mưa lũ sẽ có nguy cơ chậm dòng chảy làm ngập úng cục bộ.
Để thông tin được khách quan chúng tôi đã liên hệ với ông Võ Tuấn Trình, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch: Ông Trình cho biết, trên địa bàn hiện có 3 điểm khai thác cát nằm ở ba thôn gồm của hộ ông Nguyễn Văn Học, thôn Hòa Trạch; của ông Nguyễn Công Huân, thôn Đông Thành; của ông Trần Văn Sinh, thôn Tây Thành. Phóng viên đề cập đến tình trạng sạt lở và ô nhiễm môi trường thì ông Trính cho biết thêm; Hai điểm Ủy ban xã mới kiểm tra tuần trước cơ bản khai thác đúng vị trí và ổn, còn của hộ anh Huân do gây sạt lở đang yêu cầu ngừng khai thác các điểm sạt lở để phục hồi môi trường.
Ngoài những vấn đề nêu trên thì các mỏ khai thác trên dòng sông Dinh này còn có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Theo mục d, khoản 2, điều 9 Nghị định 23/2020/NĐ-CP: Yêu cầu việc lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai thác cát, sỏi lòng sông với các nội dung: tọa độ, diện tích và sơ đồ phạm vi khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát, sỏi. Cũng theo mục c, khoản 1, điều 10 của nghị định này, phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung: địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua – bán tại bến bãi, diện tích bến bãi.
Việc vi phạm các quy định nêu trên không chỉ gây ra hệ lụy xấu về môi trường mà còn có dấu hiệu làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, song song với đó là nguồn thuế có khả năng sẽ bị thất thu.
Để chấn chính tình hoạt động khai thác khoáng sản và tránh thất thu tài nguyên củng như nguồn thuế nhà nước, đề nghị chính quyền UBND huyện Bố Trạch, UBND tỉnh Quảng Bình cần kiểm tra hoạt động khai thác cát của các đơn vị doanh nghiệp đang khai thác trên dòng sông này.
Nguồn: moitruongvadothi.vn