Cần nghiên cứu tác động và đưa ra các giải pháp bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do Thuế tối thiểu toàn cầu.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam cho biết, với hơn 221.000 thành viên đến từ 14 Phòng Thương mại và 13 Nhóm công tác đến từ hơn 108 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các quốc gia hàng đầu và cũng là thành viên của VBF như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Hoa Kỳ, Anh… VBF đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới.
Theo đó, Việt Nam đã kịp thời thành lập 3 tổ công tác gồm nhóm công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng, nhóm công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản và Tổ công tác xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời mở cửa biên giới Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.
VBF đề xuất, thứ nhất, về vấn đề năng lượng, ông Nitin Kapoor cho biết, phần lớn đầu tư của quá trình chuyển đổi năng lượng phải đến từ khu vực tư nhân.
“Để đẩy nhanh hơn nữa cải cách quy định và chính sách, chúng tôi đề xuất phân công đại diện VBF cho các nhóm công tác chuyển đổi năng lượng hiện nay như Ban thư ký của Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Ủy ban soạn thảo chính sách liên quan”, Đồng Chủ tịch VBF đề xuất.
Về lao động, ông Nitin Kapoor cảm ơn Chính phủ đang rà soát chính sách visa, đồng thời đơn giản hóa Bộ luật Lao động, đồng thời cho rằng đây là điều kiện tạo thuận lợi cho thủ tục giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam, thu hút những tài năng đến Việt Nam.
Về thuế, Đồng Chủ tịch VBF nhận định cần nghiên cứu tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu.
Đồng quan điểm về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam cho rằng, Việt Nam tham gia trụ cột thứ 2 của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu và điều này sẽ ảnh hưởng đến mức thuế ưu đãi của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư. Đồng thời ảnh hưởng toàn diện đến hiệu quả của các nhà đầu tư và một ảnh hưởng đó là tính minh bạch của chính sách.
“Theo đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ đánh giá lại các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp hỗ trợ thay thế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình sau khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này sẽ giúp giữ chân doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn và sức cạnh tranh ngày càng cao trên toàn cầu”, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam khuyến nghị.
Cũng tại Hội nghị, cho ý kiến về vấn đề dược phẩm, ông Nitin Kapoor cho biết rất vui khi thấy những cải tiến liên tục và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh việc cấp giấy phép lưu hành (MA) cho các thiết bị y tế và dược phẩm.
“Chúng tôi rất vui vì Luật Dược đang được sửa đổi để giải quyết các thách thức như hạn chế kho bãi và vận chuyển đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và loại bỏ các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia để hài hòa các quy trình của Việt Nam với các tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu”, Đồng Chủ tịch VBF nhấn mạnh.
Đồng thời mong muốn Việt Nam có cơ chế mua sắm cụ thể đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao y tế trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản liên quan
Về thị trường bất động sản ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản, cân đối cung cầu, ông Nitin Kapoor cho biết đây cũng là thách thức cho cả các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Do đó, phản ứng của Việt Nam là rất kịp thời khi đã có nhiều chính sách để giải quyết những khó khăn này, như kiểm soát vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, tin rằng niềm tin của người dân sẽ được phục hồi, thị trường sẽ sớm quay trở lại như cũ.
Cho rằng về Kinh tế số sự phát triển của nền kinh tế số ở Việt Nam đòi hỏi phải phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số như dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu, Đồng Chủ tịch VBF nhấn mạnh Việt Nam nên hài hòa các tiêu chuẩn địa phương với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
“Cộng đồng doanh nghiệp VBF, bao gồm cả FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới phát triển kinh tế bền vững”, ông Nitin Kapoor nhấn mạnh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn