Chia sẻ với DĐDN, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cần tính toán đúng và đủ chi phí.

– Ông bình luận như thế nào khi các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, việc Thông tư 104/2021/TT-BTC không ghi rõ tỉ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu, bán lẻ là bao nhiêu đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu mối hưởng gần như hầu hết phần chi phí này?

Khi tính chi phí kinh doanh từ 850 đồng lên 1.050 đồng/lít đối với xăng, còn đối với dầu thì khác. Tuy nhiên, vấn đề này lại không có sự phân chia bán buôn bao nhiêu, bán lẻ bao nhiêu, chiết khấu bao nhiêu vì đã tính chung toàn bộ vào chi phí kinh doanh.

Từ đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn quy định thẳng vào nghị định và thông tư hướng dẫn là bao nhiêu phần trăm. Nói cách khác, phải quy định rõ định mức chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Nhưng đây là sự thoả thuận, không mang tính chất hành chính. Thực chất, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn đưa chiết khấu hay gọi “nôm na” là “trả công” cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vào thông tư hướng dẫn cụ thể là bao nhiêu phần trăm.

Bộ Công Thương cũng đã nêu rất rõ, đây là quan hệ thoả thuận giữa hai bên. Nếu doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không chấp nhận thì có thể đi tìm đầu mối khác để làm đại lý. Vấn đề này hiện nay vẫn đang bàn và nghị định cũng đang sửa vì vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau nên chưa đi vào “chung kết”.

– Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng họ phải dùng tiền túi bù lỗ để duy trì hoạt động kinh doanh. Thực trạng này kéo dài khiến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng nề, kiệt quệ tài chính, có đơn vị phải bán đất đai, cầm cố tài sản để bù lỗ, thưa ông?

Muốn biết thực tế như thế nào thì phải có điều tra, khảo sát cụ thể. Nhìn ngược trở lại, giả sử đầu mối xăng dầu cũng không có lãi nên mới buộc họ phải làm như vậy. Cho nên, trách nhiệm của Bộ Tài chính bây giờ là phải tính đúng, tính đủ và tính kịp thời chi phí kinh doanh cho đầu mối xăng dầu. Khi đó mới gỡ được hết khúc mắc, đó là bên đầu mối sẽ trả cho phía bán lẻ một cách hợp lý.

Tính đúng, tính đủ chi phí phân phối xăng dầu

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho rằng chiết khấu xăng dầu thấp. Ảnh: N.K

– Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất các bộ ngành liên quan lập hội đồng để phân chia lại chi phí định mức và lợi nhuận định mức, phân chia cho doanh nghiệp khi thực hiện sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện quy định lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Vậy, lợi nhuận định mức sẽ hình thành ở khâu nào? Thực tế, lợi nhuận định mức được hình thành trên cơ sở giá. Như vậy, bên đại lý “tự nhiên” phải chiết khấu, mà trong phần chiết khấu này đã có cả phần đó rồi. Câu hỏi đặt ra là sẽ phân chia định mức là bao nhiêu?

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đưa ra yêu cầu có tính chất một phía. Thẳng thắn nhìn nhận, kiến nghị này không khả thi vì không có sự ràng buộc và không mang tính chất hành chính, cho nên nhà nước sẽ không can thiệp.

Đây là quan hệ dân sự, bây giờ quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thì căn cứ vào đâu để phân chia? Tính theo tỷ lệ và cơ cấu nào? Vì đã nằm toàn bộ trong cơ cấu và chi phí kinh doanh, phân chia bắt đầu từ khâu bán chứ không phải sau khi trừ tất cả các chi phí đến khi còn 300 đồng thì phải chia cho các đại lý bán lẻ, ví dụ 20 đồng hay 50 đồng.

Sẽ không bao giờ thực hiện được theo cách thức phân chia như vậy, vì đã tính toàn bộ chọn gói trong giá. Cách làm này rất máy móc. Theo tôi, không bao giờ ban soạn thảo đưa ra phương án này.

– Như vậy, theo ông đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu là chưa hợp lý?

Theo tôi kiến nghị này chưa hợp lý, chúng ta phải có góc nhìn toàn cục và toàn diện, không “soi chiếu” qua “lăng kính” riêng. Điều quan trọng lúc này là nên xem lại việc phân chia và tính toán cơ cấu giá đã hợp lý hay chưa? Đã tính đúng, tính đủ, tính kịp thời chưa?

Việc ban soạn thảo phản đối đề xuất này, theo tôi cũng có lý do. Vì văn bản nhà nước sẽ không đứng ra làm chuyện đó, mà các bên phải tự thoả thuận với nhau.

Thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn đưa vào văn bản để mang tính chất pháp lý nhằm có sự ràng buộc với phía đầu mối. Nhưng trong bối cảnh, điều kiện bên bán lẻ, tổng đại lý hay đầu mối không có lãi thì không thể chia được.

– Từ các kiến nghị trên, ông có đề xuất gì?

Ban soạn thảo và Bộ Công Thương đã nêu rất rõ, đây là quan hệ dân sự nên hai bên tự thoả thuận và sẽ không đưa vào văn bản pháp lý. Đề nghị này của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không mang tính khả thi, mà phải tính toàn diện, toàn cục chứ không thể theo nguyện vọng của riêng các doanh nghiệp bán lẻ là muốn “chia phần”. Vì, có thời kỳ chi phí hoa hồng cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn thì họ có thắc mắc hay không?

– Trân trọng cảm ơn ông!