Wednesday, November 27, 2024

Bắc Ninh: Mối lo ô nhiễm ở làng giấy Phong Khê

Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của tỉnh, thành phố Bắc Ninh thực sự vào cuộc, yêu cầu các phòng, ban, cơ quan chuyên môn tập trung cao độ nhân lực, vật lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường làng giấy Phong Khê

Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường ở đây vẫn chưa được giải quyết triệt để, bắt buộc phải thực hiện nghiêm chủ trương chuyển đổi, di dời vào tháng 12 năm 2029 theo đúng lộ trình của Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê giai đoạn 2022-2030”.

Bắc Ninh: Mối lo ô nhiễm ở làng giấy Phong Khê

Sản xuất hơi thương phẩm tại phường Phong Khê.

Thực tế kiểm tra cho thấy, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất có biểu hiện đối phó, xả trộm, xả lén lút chất thải ra ngoài môi trường. Nhận thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thấp dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Hầu hết các cơ sở sản xuất chưa lập các thủ tục hành chính về môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy phép môi trường…do nguồn gốc đất chủ yếu là đất ở, đất nông nghiệp…

Một số cơ sở đã có ý thức xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, tuy nhiên không vận hành thường xuyên và các công trình xử lý môi trường chưa bảo đảm quy chuẩn theo quy định. Việc quản lý, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại hiện gặp rất nhiều khó khăn về đơn giá, phương án xử lý… Khối lượng và chất lượng nước thải sản xuất biến động thường xuyên, nồng độ chất ô nhiễm cao do vậy khó vận hành hiệu quả Nhà máy xử lý nước thải tập trung. Lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng… Đó là những tồn tại ở làng giấy Phong Khê hiện nay, khiến ô nhiễm môi trường vẫn luôn ở mức báo động, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng uỷ phường Phong Khê: Thành phố Bắc Ninh, phường Phong Khê đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo về xử lý ô nhiễm môi trường; thành lập nhiều Đoàn kiểm tra, kiểm tra việc xả nước thải, đốt rác thải công nghiệp, chốt chặn các xe chở nguyên, vật liệu để kiểm soát việc vận chuyển chất thải vào các cơ sở sản xuất; đình chỉ hoạt động bằng hình thức tạm ngừng cung cấp điện, niêm phong nhà xưởng, máy móc… của các cơ sở sản xuất giấy, sản xuất hơi trên địa bàn phường (đã có hơn 400 lượt trường hợp vi phạm bị xử phạt, đình chỉ sản xuất).

Thành lập Tổ tự quản, Tổ công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và ký cam kết đến 100% các doanh nghiệp, hộ sản xuất không xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, không đốt các loại chất thải rắn, các loại nguyên liệu gây khói, mùi, bụi làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân trên địa bàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trên hệ thống đài phát thanh từ thành phố đến phường, loa truyền thanh của các khu phố theo giờ để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất về tác hại của ô nhiễm môi trường, công bố trên hệ thống truyền thanh của phường, loa truyền thanh của các khu phố những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đối thoại với các chủ sản xuất về thu tiền để vận hành nhà máy xử lý nước thải Phong Khê; niêm yết công khai tại địa phương về lộ trình, thời gian dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất để các cơ sở có phương án hoạt động, di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Công bố đường dây nóng bảo vệ môi trường; tuần tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, tại chỗ các trường hợp vi phạm. Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê giai đoạn 2022-2030” sẽ là giải pháp căn cơ cho bài toán xử lý ô nhiễm môi trường tại Phong Khê.

Theo nội dung của Đề án: Lộ trình chuyển đổi, di dời của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy trong khu dân cư trước ngày 31-12-2024; chuyển đổi, di dời các cơ sở sản xuất giấy trong 2 CCN Phong Khê I, II trước ngày 31-12-2029. Trước mắt, thành phố tiếp tục đôn đốc các cơ quan chuyên môn, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp cùng đồng thuận về phương án di dời; kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp cố tình vi phạm về môi trường và các lĩnh vực liên quan như phòng cháy chữa cháy, điện lực… Thực hiện nghiêm lộ trình của Đề án.

Tại buổi kiểm tra thực tế làng nghề của lãnh đạo tỉnh vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là không cho phép các cơ sở sản xuất cơi nới, mở rộng, tăng công suất sản xuất. Yêu cầu thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; phải thực hiện việc đấu nối vào hệ thống Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê. Đồng thời xây dựng lộ trình dừng hoạt động sản xuất theo đúng lộ trình của Đề án, có phương án hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho các doanh nghiệp. Như vậy mới giải quyết được triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img