Hà Nội – Tại dự án đường nối Phạm Hùng (Vành đai 3) – Vành đai 3,5 đi huyện Hoài Đức rác thải sinh hoạt và rác thải xây dựng được đổ bừa bãi khắp nơi gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Theo ghi nhận, dự án đường kết nối từ đường Phạm Hùng (Vành đai 3) với Vành đai 3,5 đi huyện Hoài Đức vẫn chưa được giải phóng mặt bằng khiến nhiều hạng mục của dự án chưa thể triển khai. Hơn nữa, khu vực này hiện trở thành nơi tập trung rác thải gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới môi trường.
Tại ngã tư Lê Đức Thọ (đoạn giao cắt với dự án đi vào khoảng 100m) rác thải được người dân vứt bừa bãi xung quanh các ụ bê tông chưa được thi công của dự án.
Rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng được vứt bữa bãi khắp nơi gây mất mỹ quan đô thị.
Bạn Nguyễn Đức Toàn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Cứ vào sáng sớm hoặc chiều tối, nhiều người dân ngang nhiên đổ rác thải sinh hoạt ra tuyến đường này. Hơn nữa, thời tiết bắt đầu nắng nóng, mùi rác bốc lên nồng nặc khiến ai cũng cảm thấy khó chịu mỗi khi đi qua đây“.
Tình trạng đốt rác thải cũng xảy ra thường xuyên tại đây. Khói bụi đi kèm với mùi hôi nồng nặc từ việc đốt rác khiến môi trường tại đây bị ô nhiễm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sống quanh khu vực.
Bạn Mai Văn Toàn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần đi qua đây, mình đều chứng kiến cảnh người dân đốt rác tạo thành những cột khói đen bay cao nghi ngút. Nhiều khi chỉ cần bước vào đầu đoạn đường, mùi khét nồng nặc do rác thải nhựa bị cháy đã xộc thẳng lên mũi khiến cho mình thấy ám ảnh mỗi lần di chuyển qua đây. Cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc để dẹp các bãi rác tự phát này, tuy nhiên, do ý thức người dân chưa cao nên được vài hôm xong đâu lại vào đấy”.
Không chỉ vậy, rác thải còn bị người dân vứt xuống kênh thoát nước gây nguy hại lớn đến môi trường. Căn cứ Điểm d Khoản 2 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định: Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển sẽ bị phạt tiên từ hạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng được chất thành từng đống lớn nằm ngay bên vệ đường. Trao đổi với Lao Động, PGS.TS. Bùi Thị An – Đại biểu quốc hội khóa 13 cho biết: “Mỗi người dân cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và không vứt rác thải bừa bãi tại những nơi không đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân để nâng cao ý thức về bảo về môi trường. Đồng thời tích cực kiểm tra, rà soát các điểm nóng về rác thải để có các biện pháp xử lý tránh để tình trạng vứt rác, đổ trộm rác, làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường“.
Nguồn: moitruongvadothi.vn