Ông Lê Văn Lương từng bước phát triển nhằm cung cấp thiết bị, sản phẩm cà phê sạch cho các thị trường trong và ngoài nước.
Chia sẻ với DĐDN, ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ cà phê Cavalry cho hay, xuất phát từ ý tưởng phát triển chuỗi sản phẩm cà phê sạch để phục vụ cộng đồng ông đã xây dựng xưởng rang cà phê mang thương hiệu Cavalry.
– Thưa ông, lựa chọn phát triển thương hiệu cà phê trên vùng đất cát Quảng Nam là vô cùng khó khăn. Vậy yếu tố nào đã giúp ông kiên định với lựa chọn này và đưa thương hiệu đi xa?
Xuất phát điểm là một cửa hàng kinh doanh cà phê, tuy nhiên bản thân tôi vẫn chưa hiểu hết được quy trình để sản xuất nên thành phẩm cà phê cho khách hàng sử dụng. Từ đó, tôi đã quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh cà phê, chuyển hướng sang tìm hiểu sản xuất máy rang cà phê và học học kinh nghiệm sản xuất cà phê sạch. Để làm được việc này vô cùng khó, vì Quảng Nam không phải là vùng nguyên liệu của cà phê, hầu hết nguyên liệu đều phải nhập từ các tỉnh Tây Nguyên.
Vì vậy, công ty phải liên kết với người nông dân để bao tiêu sản phẩm, mang hạt cà phê từ Tây Nguyên về Quảng Nam để chế biến thành phẩm phục vụ khách hàng. Và để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đơn vị phải hoàn thiện công nghệ, đầu tư thiết bị và kiểm nghiệm thành phẩm với nhiều chứng nhận liên quan đến an toàn sức khỏe.
Từ những phản hồi tích cực của khách hàng, đơn vị đã xác định hướng đi cụ thể, là cung cấp sản phẩm và dịch vụ cà phê tại khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng với phương châm là “sạch – an toàn”. Đây chính là nguồn động lực để Cavalry tiếp tục sứ mệnh của mình, từng bước mở rộng thị trường đến các địa phương khác và xuất khẩu đi New Zealand. Từ đó, thương hiệu Cavalry được xác nhận và hoạt động của đơn vị dần đi vào ổn định hơn với hơn 3 tấn thành phẩm/năm.
– Ông chia sẻ thêm về việc cung cấp dịch vụ cà phê và xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế?
Song hành với việc cung cấp sản phẩm cà phê hạt, cà phê rang xay thì Cavalry cũng sẽ phục vụ cà phê cho khách hàng thưởng thức cà phê thành phẩm ngay tại cửa hàng.
Đặc biệt, đơn vị còn phục vụ dịch vụ cà phê cho khách du lịch ngay tại công xưởng. Ước tính, mỗi tháng cơ sở đón gần 1000 khách du lịch quốc tế. Tại đây, khách du lịch sẽ được trải nghiệm hoạt động sản xuất cà phê, sử dụng cà phê nguyên chất từ mẻ rang và đánh giá trực tiếp. Trên thực tế, du khách không cần mua hàng, mà là sử dụng trực tiếp để cảm nhận, từ đó sẽ xác định có nên mua để thưởng thức lâu dài hay không.
Từ những “sứ giả” này, doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, khởi đầu là thị trường New Zealand với sản lượng lên 1 tấn thành phẩm/năm. Hiện tại, con số xuất khẩu vẫn đang ổn định, tuy nhiên đơn vị vẫn muốn nâng sản lượng cao hơn nữa để tăng sức cạnh tranh.
– Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam?
Thương hiệu cà phê Việt Nam có nhiều lợi thế để cạnh tranh với các thương hiệu khác. Thứ nhất là cà phê Việt Nam có hương vị đặc trưng, đậm đà hơn so với “style” cà phê của người nước ngoài. Điều này tạo được sự mới lạ trong trải nghiệm hương vị của khách hàng.
Thứ hai, Việt Nam hiện nay đang là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Lợi thế về vùng nguyên liệu đang đưa thương hiệu Việt Nam có một vị trí nhất định trên thị trường và đa dạng lựa chọn.
Thứ ba, chi phí lao động tại Việt Nam không cao như các nước khác. Vì vậy, chúng ta có thể đề xuất các lựa chọn tốt hơn về giá cả để tăng sức cạnh tranh.
– Để đứng vững được trên thị trường, theo ông đâu là yếu tố tiên quyết để tạo động lực cho doanh nghiệp? Định hướng trong tương lai của Cavalry là gì, thưa ông?
Trong tương lai, Cavalry sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu cà phê sạch vững mạnh tại thị trường Quảng Nam – Đà Nẵng, mở rộng kết nối quốc tế. Cùng với đó, tiếp tục hình thành địa điểm trải nghiệm cà phê phục vụ du lịch.
Sau nhiều lần thất bại, Cavalry đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân. Bài học lớn nhất đó là quá chú tâm vào đầu tư sản phẩm nhưng lại thiếu đi bước tìm hiểu nhu cầu thị trường. Từ đó, đơn vị đã xác định rõ hướng đi mới đó là cung cấp giải pháp tối ưu về dịch vụ cà phê chứ không chỉ đơn thuần là bán cà phê để sử dụng.
Ngoài ra, đó là sử dụng công nghệ số không đồng bộ. Trong hoạt động của doanh nghiệp, việc áp dụng công nghệ số là một yếu tố quan trọng để tìm kiếm và phát triển thị trường.
Ở khía cạnh lãnh đạo doanh nghiệp phải mạnh mẽ, cả về năng lượng và thể chất. Từ đó mới đủ sức mạnh đưa doanh nghiệp đi xa. Một cá nhân yếu ớt, thiếu năng lượng thì không thể nào “lái con thuyền ra biển lớn”.
Và đặc biệt là tinh thần dám nghĩ dám làm, dám nhận thất bại, có như vậy mới rút ra được kinh nghiệm từ những sai lầm, để sửa sai thành đúng. Trong kinh doanh, không thất bại chắc chắn sẽ không thành công vượt bậc được. Sự thật, muốn thành công thì phải trải qua nhiều “sẹo”, người đứng vững chắc chắn sẽ chai hạn hơn người “lưng chừng”.
– Xin cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn