Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sẽ nâng cấp, mở rộng đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu các cảng biển nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.
Dự báo 2023 vẫn “khó” dù nhiều tín hiệu tích cực
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 ước đạt 733,18 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển ước đạt 25,09 triệu TEUs, tăng 5%.
Đặc biệt, trong năm 2022, một số cảng biển tại Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu lọt vào danh sách 50 cảng biển có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất thế giới như cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho phép tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới, lên đến trên 200.000 DWT.
Dù đạt nhiều kết quả khả quan năm 2022 nhưng nhiều chuyên gia cho rằng năm 2023 vẫn là một năm “khó” của ngành cảng biển và vận tải biển do suy thoái kinh tế. Lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia làm tăng gánh nặng lên nền kinh tế thế giới.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nhận định, khối cảng biển đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi nhiều địa phương và doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án đầu tư và xây dựng cảng biển để hoàn thiện và mở rộng hoạt động. Trong khi đó, nguồn hàng có nguy cơ suy giảm sau một năm bùng nổ dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh…
Giá cước vận tải đường biển quốc tế bất ngờ lao dốc mạnh sau một thời gian tăng trưởng chóng mặt là hệ quả của hiện tượng cung vượt quá cầu, dự báo sẽ gây áp lực lớn lên giá cước vận tải biển thời gian tới. Chỉ số container toàn cầu hiện sụt giảm gần 70% so với mức đỉnh vào thời điểm tháng 9/2021.
Nâng cấp hàng loạt các cảng biển để đón tàu lớn
Đối mặt với khó khăn trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hải đã nâng cấp, mở rộng hệ thống vận hành khai thác cảng nhằm tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Mới đây, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết sẽ nâng cấp, mở rộng đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu các cảng biển nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.
Cụ thể, khu vực Hải Phòng VIMC đầu tư dự án xây dựng bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện; đầu tư giai đoạn 2 Cảng VIMC Đình Vũ; phát triển hệ thống bến phao tại các khu neo. Tại miền Trung, Cảng Đà Nẵng được đầu tư chiều sâu, nâng cao khả năng khai thác Cảng Tiên Sa; đề xuất đầu tư 2 bến khởi động Cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm logistics tại Hòa Vang để kết nối, giảm lưu lượng hàng hóa qua cảng Tiên Sa; nghiên cứu phát triển các bến tàu khách.
Cảng Quy Nhơn sẽ được đầu tư nâng cấp mở rộng bến số 1; dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 (giai đoạn 1, khu đất 3,8ha) và các hạ tầng cảng cạn (ICD), kho bãi kết nối.
Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, VIMC dự kiến hoàn thành dự án Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước; nghiên cứu, đề xuất triển khai dự án Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước giai đoạn 2; huy động nguồn lực, hợp tác với MSC nghiên cứu đầu tư khu bến trung chuyển container quốc tế quy mô lớn tại Cần Giờ.
Khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn đến năm 2030, VIMC nghiên cứu tham gia đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn tại khu vực Cái Mép Hạ, đầu tư bến tàu khách. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, VIMC hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cảng Cái Cui, thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng VIMC Hậu Giang giai đoạn 2.
Việc hoàn thiện hệ thống quy hoạch cảng biển sẽ mở đường huy động đa dạng các nguồn lực phát triển hạ tầng cảng biển, hướng đến xây dựng hệ thống cảng thông minh, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và hiệu quả hoạt động.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn