Trước tình trạng sông Kiến Giang đoạn chảy qua TP Thái Bình (thường gọi sông Pari) bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối tại một số thời điểm,… các đơn vị liên quan cho biết chưa phát hiện được nguồn xả thải trái phép nào.
Như Lao Động đã thông tin, thời gian qua, tại nhiều thời điểm khác nhau, sông Kiến Giang đoạn từ huyện Vũ Thư chảy về TP Thái Bình đến cầu Phúc Khánh (thường gọi sông Pari) càng ngày càng có dấu hiệu bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước sông ngả màu đen kịt kéo dài gần chục cây số, bốc mùi hôi thối, khó chịu làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh.
Mỗi lần khúc sông nói trên xảy ra tình trạng ô nhiễm như vừa nêu, lực lượng thủy nông lại phải tiến hành lấy nước từ các sông lớn bên ngoài vào để thau rửa, tiêu thoát lượng nước ô nhiễm qua sông Lân đổ ra biển.
Điều này về lâu dài không những gây lo ngại ô nhiễm môi trường biển mà trước mắt dấy lên quan ngại bởi sông Lân trước khi đổ ra biển qua cửa Lân thì chảy qua các huyện Vũ Thư, Kiến Xương và Tiền Hải – địa bàn có rất nhiều nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân – lấy nước mặt sông Lân làm nguồn nước nguyên liệu, nước thô đầu vào để sản xuất, chế biến.
Hơn nữa, chi phí, nguồn nhân lực, vật lực từ Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình phải bố trí để phục vụ, tiêu tốn vào việc thau rửa, tiêu thoát nước ô nhiễm từ sông Pari là rất lớn.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình, về lâu dài, các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình phải có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để có thể ngăn chặn, kiểm soát lượng nước thải từ sinh hoạt, sản xuất của các hộ gia đình trên địa bàn TP Thái Bình và từ các công ty, nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại các khu, cụm công nghiệp lân cận.
Ngày 25.4, PV Lao Động tiến hành liên hệ Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, UBND TP Thái Bình xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Quyết Chiến – Chánh Văn phòng Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình – khẳng định: “Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo về việc nước sông Pari bị ô nhiễm, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo và các phòng chuyên môn của ban. Theo kiểm tra, các cửa xả của trạm xử lý nước thải thuộc Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Khu công nghiệp Phúc Khánh mà ban quản lý thì các cửa đều không xả ra sông Pari mà xả ra sông Bạch. Còn đoạn gần phía cầu Đa Sô thuộc địa phận Vũ Thư thì không có khu công nghiệp nào”.
Tuy vậy, ông Chiến cũng công nhận với phóng viên rằng, việc các cửa xả thải từ Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Khu công nghiệp Phúc Khánh xả thải đúng quy định là đương nhiên, thế nhưng không loại trừ khả năng vẫn có trường hợp xả thải trộm, xả chui mà ban không biết, không nắm được.
Cùng ngày 25.4, trả lời PV Lao Động, ông Phạm Đình Thân – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thái Bình – cho biết: “Về việc này, chúng tôi cũng đã giao các tổ công tác giám sát tình trạng nước tại các sông. Khi nào nước dồn lại chưa thau rửa kịp thì lại có màu, mùi. Anh em cũng kiểm tra, phối hợp với cả Cảnh sát môi trường để theo dõi xem có nguồn xả thải nào bất thường không để xử lý, xử phạt nhưng chưa phát hiện được là đơn vị nào. Trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng chưa thấy xả thải chưa qua xử lý, xả thải trái phép”.
Vẫn theo ông Thân, UBND TP Thái Bình thường xuyên giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tích cực tuyên truyền, nhắc nhở các hộ cá nhân, gia đình, các đơn vị sản xuất phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không được xả thải bừa bãi, xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước nói riêng.
Nguồn: moitruongvadothi.vn