Sử dụng điện thoại khi đang lái xe, lái ô tô chạy quá tốc độ quy định hay đi sai làn đường… là những lỗi giao thông phổ biến người điều khiển ô tô dễ mắc phải khi lái xe đi du lịch dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Người lao động trên cả nước đang bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài đến 5 ngày, đây là lúc nhiều cá nhân, gia đình lái ô tô hoặc đưa gia đình, bạn bè đi tham quan du lịch hoặc về quê… Nhu cầu đi lại gia tăng khiến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông càng trở nên đông đúc. Đây cũng là thời điểm số lượng các vụ tai nạn có nguy cơ tăng cao do tâm lý chủ quan của người điều khiển ô tô.
Dưới đây là những lỗi giao thông phổ biến mà người điều khiển ô tô thường mắc phải khi lái ô xe đi du lịch dịp nghỉ lễ cùng với mức xử phạt hành chính được quy định:
Sử dụng điện thoại khi đang lái xe
Sử dụng điện thoại khi đang lái xe là một trong những lỗi phổ biến khiến các tài xế bị xử phạt. Việc di chuyển đến những cung đường mới khiến nhiều lái xe thường sử dụng điện thoại để tìm lộ trình hoặc chỗ ăn, nghỉ… Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tài xế mất tập trung dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo Nghị định 100/2019, mức xử phạt hành chính từ 1 – 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.
Lái xe quá tốc độ quy định
Bên cạnh việc sử dụng điện thoại, trong suốt quá trình lái xe nhiều tài xế thường chủ quan, không chú ý biển báo dẫn đến việc lái xe quá tốc độ quy định, nhất là khi đi qua các khu dân cư, đô thị. Theo Nghị định 100/2019, tài xế sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng nếu lái điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10 km/giờ.
Bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng nếu lái điều khiển ô tô chạy quá tốc độ 10 đến 20 km/giờ. Từ 6 – 8 triệu đồng nếu chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ. Mức phạt với những trường hợp lái xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/giờ sẽ bị phạt từ 10 – 12 triệu đồng.
Lái xe không đúng phần đường, làn đường quy định
Nhu cầu đi lại gia tăng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông càng trở nên đông đúc khiến tình trạng ùn tắc, kẹt xe thường xảy ra tại một số thành phố, địa điểm du lịch. Trong những tình huống này nhiều lái xe thường nóng vội, lái xe không đúng phần đường, làn đường quy định. Theo quy định tại Nghị định 100/2019, người điều khiển ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (đi sai làn) sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.
Đối với trường hợp người điều khiển ô tô không đúng phần đường hoặc làn đường quy định gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng theo quy định tại điểm a khoản 7, điều 5 của Nghị định 100/2019.
Dừng đỗ xe không đúng quy định
Trong suốt quá trình lái xe qua các khu đô thị, đường trường hay đường cao tốc… do không chú ý quan sát, nhiều lái xe ô tô thường dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, thậm chí nhiều trường hợp chủ quan dừng đỗ xe trên đường cao tốc, đường thoát hiểm tại các khu vực đèo dốc. Đây cũng là lỗi phổ biến nhiều tài xế thường mắc phải, dẫn đến bị xử phạt.
Theo quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình. Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.
Với hành vi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, người điều khiển ô tô có thể bị phạt tiền từ 400.000 đến 2 triệu đồng, đồng thời có thể bị tước giấy phép lái xe đến 3 tháng. Còn nếu dừng đỗ xe trái phép trên cao tốc, lái xe có thể bị phạt tới 12 triệu đồng.
Lái xe khi trong hơi thở có nồng độ cồn
Vào những ngày nghỉ lễ, nhiều gia đình hay các nhóm bạn bè, đồng nghiệp… thường tổ chức tiệc ăn uống, thậm chí sử dụng bia, rượu. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phạm luật. Theo Nghị định 100/2016, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ người điều khiển ô tô lưu thông trên đường sẽ bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe nếu hơi thở có nồng độ cồn. Tuỳ xe mức độ vi phạm, mức phạt sẽ từ 6 – 40 triệu đồng, và bị tước giấy phép lái xe từ 10 – 24 tháng.
Nguồn: thanhnien.vn