Thay vì ở nhà gần 1 tuần nghỉ lễ 30.4 – 1.5 như dự định, nhiều gia đình bất ngờ đổi ý đi chơi vào giờ chót lại vô tình “gặp may” bởi vé máy bay mua sát giờ rẻ bất ngờ.
Sáng chốt chiều bay, giá vẫn rẻ hơn 1 nửa
“Tính ở nhà rồi đó chứ, nhưng ông bà mới từ Đức về lại nổi hứng đi biển nên tôi lên xem thử vé đi Phú Quốc còn không. Thấy bảo năm nay ‘cháy’ vé máy bay, giá lên đỉnh từ cách đây cả tháng trời nên chắc giờ này chẳng còn vé, mà nếu còn cũng cao choáng váng. Ai ngờ, không những chuyến bay còn nhiều mà giá rẻ lắm, không tăng gấp đôi gấp ba như mọi người than đợt trước đâu” – anh Thanh Tuyền (ngụ Nhà Bè, TP.HCM) kể với Thanh Niên sau khi vừa chốt 5 vé cho gia đình bay ra Phú Quốc tối qua 29.4. Gia đình anh mua vé bay chiều nay (30.4) của hãng Pacific Airlines, về ngày 6.5 của hãng Vietjet, tổng cộng chỉ hơn 2,1 triệu đồng/ người.
Với những gia đình ở TP.HCM lên kế hoạch nghỉ lễ ở Phú Quốc từ cách đây 1 tháng, vé máy bay chặng này thấp nhất 4 triệu đồng/khứ hồi. Nếu mua vé sát ngày vào khoảng 24 – 27.4, tuy giá vé có quay đầu giảm nhưng cũng vẫn hơn 3 triệu đồng/khứ hồi. Mua vé hôm trước, hôm sau đi mà được rẻ hơn tới 50% như gia đình anh Tuyền, quả là… xưa nay hiếm!
Khảo sát trên trang bán vé trực tuyến Abay, các chặng bay từ đầu Hà Nội/TP.HCM đến các điểm du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng trong hôm nay (30.4) vẫn còn nhiều vé. Từ Hà Nội bay đi Phú Quốc, nếu giờ đặt mua chuyến bay ngay buổi chiều của hãng Bamboo Airways, giá hơn 2,4 triệu đồng, vẫn rẻ hơn gần 1 triệu đồng so với thời điểm gần 1 tháng trước. Gia đình nào sắp xếp được thời gian, nghỉ tới hết 7.5 thì có thể đặt mua vé bay ngày mai (1.5) với giá chỉ hơn 2,2 triệu đồng/vé khứ hồi. Tương tự, cùng thời điểm, bay chặng Hà Nội – Nha Trang, giá vé khứ hồi cũng từ 2,8 – 3,2 triệu đồng, giảm hơn 1 triệu đồng.
Cách đây khoảng 1 tháng, vé từ TP.HCM đi Đà Nẵng thấp nhất của Vietjet là hơn 4,2 triệu đồng/vé khứ hồi; Bamboo Airways gần 5 triệu đồng bay cùng ngày; trong khi nếu mua Vietnam Airlines giá hơn 5,2 triệu đồng, ngang vé mùa Tết Nguyên đán. Thế nhưng, nếu đặt vé sáng 30.4, bay ngay chiều cùng ngày, khách hàng có thể lựa chọn đi các chuyến bay của Vietjet với giá chỉ khoảng 2,6 triệu đồng/khứ hồi; Bamboo Airways tuy chỉ còn 1 – 2 chuyến bay nhưng giá cũng chỉ hơn 2,7 triệu đồng/khứ hồi; Vietnam Airlines vé khứ hồi khoảng 3,5 triệu đồng, giảm khoảng hơn 1,3 triệu đồng.
Kỳ vọng nhu cầu đột xuất “cứu” du lịch
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Lửa Việt cho biết, trước đại dịch Covid-19, lễ 30.4 – 1.5 là cao điểm của các công ty lữ hành và ngành du lịch, chỉ sau Tết Nguyên đán. Năm nay, vì trùng với Giỗ tổ Hùng Vương và cuối tuần nên được nghỉ dài nhất, rất phù hợp để đi du lịch.
Thành quả du lịch nội địa năm 2022, trong đó có lễ 30.4 và 1.5 năm trước đã tạo động lực để các công ty mạnh tay chuẩn bị. Trong đó, việc đầu tiên là tranh thủ uy tín, thương hiệu để gom vé máy bay và phòng lưu trú. Việc làm này tuy có phần mạo hiểm, nếu bán không hết là ôm nợ. Tuy nhiên, nếu không cọc để mua từ xa với số lượng lớn thì không thể cạnh tranh về giá. Càng gần ngày khởi hành, giá càng ngất ngưởng.
“Năm nay ngược lại. Gần ngày khởi hành, giá vé hàng không rớt thảm thương. Những công ty ôm vé và khách hàng tự mua vé trước lãnh đủ, tệ hơn cầu thủ đá phản lưới nhà. Năm nào cũng vậy, khách sạn 4 – 5 sao gần như không tăng giá, nhà hàng không tăng, chỉ vận chuyển tăng giá và hàng không thì bứt phá. Có người đùa là vì hàng không nên giá trên trời, dù bình thường, vé máy bay rẻ hơn tàu hỏa giường nằm. Thấy sức mua chậm, không như mong đợi nên các công ty dần nhả phòng khách sạn, xin lùi vé, bán tháo lỗ. Nếu không, vé máy bay cầm chắc mất cọc” – ông Mỹ phân tích.
Thực tế, lượng du khách mùa lễ năm nay khó đạt như năm ngoái dù ngày nghỉ thuận lợi, thời tiết ủng hộ. Nắng, nóng nên nhu cầu du lịch nhiều hơn. Ghi nhận ngày đầu nghỉ lễ, từ hai trọng điểm TP.HCM và Hà Nội, sân bay cũng như các cửa ra đường bộ đều ùn tắc. Song, đáng buồn là ùn tắc vì người dân chen nhau về quê nghỉ lễ, không phải vì du lịch.
Mùa lễ năm nay, Phú Quốc dự kiến lượng giảm khách nhiều nhất. Đà Lạt vẫn trống phòng, nhất là khách sạn 3 sao trở xuống. Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Sa Pa, Hà Nội, Hạ Long… đến giờ vẫn còn nhiều cơ sở lưu trú ngóng khách. Thế nhưng, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) vẫn chật cứng du khách. Vũng Tàu vẫn giữ được lượng khách ổn định. Nhờ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo thông xe, lễ 30.4 năm nay du lịch Bình Thuận “được mùa”. Các cơ sở lưu trú ở Phan Thiết, Hòn Rơm, Tân Thành… đều kín chỗ. Đặc biệt, du lich Ninh Thuận lần đầu tiên bội thu. Nhà nghỉ, homestay cũng “cháy” phòng.
“Nhìn vậy mới thấy, giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng thế nào trong phát triển du lịch. Lượng khách dịp lễ 30.4 – 1.5 chủ yếu là nội địa, nhiều nhất là dân địa phương và phụ cận. Hầu như rất ít khách inbound nhưng khách outbound lại rôm rả. Không ít công ty, khách Việt đi nước ngoài nhiều hơn du lịch trong nước. Nhiều doanh nghiệp “tự dưng” thấy mình thành công ty outbound. Dịp lễ chỉ mới bắt đầu. Vẫn hy vọng những ngày tiếp theo, khách sẽ tăng đột biến. Bởi người Việt dễ nổi hứng, có khi thấy vé rẻ lại rủ nhau ‘lên đường” – ông Nguyễn Văn Mỹ kỳ vọng.
Nguồn: thanhnien.vn