Ngân hàng trung ương của Mỹ ngày 3.5 tiếp tục nâng lãi suất cơ bản nhưng cũng báo hiệu đây có thể là lần cuối trong chuỗi tăng liên tục kể từ tháng 3.2022.
Theo The New York Times, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên phạm vi 5-5,25%, mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2007. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Fed trong hơn một năm và không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát thị trường.
Với lần tăng này, lãi suất cho vay của ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng tổng cộng 5 điểm phần trăm từ mức gần bằng 0 hồi tháng 3.2022, đánh dấu giai đoạn tăng nhanh nhất kể từ thập niên 1980.
Song Fed giờ đây cũng phát đi tín hiệu rằng họ có thể sẽ không tiếp tục tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất đã được tiến hành nhằm kiềm chế lạm phát cao ở Mỹ nhưng cũng góp phần dẫn đến sự sụp đổ của 3 ngân hàng trong vòng 2 tháng qua.
Trong tuyên bố hôm 3.5, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã tiết chế ngôn ngữ về khả năng tăng lãi suất trong tương lai, nói rằng các động thái khác “có thể” là phù hợp. Trong một cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome H. Powell nói rằng “chúng ta đã đến gần, hoặc thậm chí đã ở đó”, đề cập tới điểm cuối của quá trình điều chỉnh lãi suất.
Những lời lẽ này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Fed sau nhiều tháng các quan chức đã luôn kiên định với quan điểm rằng lãi suất cần phải tăng thêm. Giờ đây, Fed có thể ngừng tăng lãi suất trong bất kỳ cuộc họp nào sắp tới, gần nhất dự kiến diễn ra vào ngày 13-14.6.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Mỹ đã cẩn thận để ngỏ các lựa chọn của họ vào thời điểm kinh tế cực kỳ bất định, gợi ý Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế và lạm phát trở nên nóng hơn. Ông Powell nói lạm phát vẫn là mối lo ngại chính và hiện còn quá sớm để khẳng định chắc chắn rằng giai đoạn tăng lãi suất của Fed đã kết thúc.
“Quyết định tạm dừng (tăng lãi suất) không được đưa ra hôm nay”, ông Powell nói trong cuộc họp báo. “Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu sắp tới, thông qua các cuộc họp và chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi đó tại cuộc họp tháng 6”.
Hiện tại, lạm phát ở Mỹ ở mức 4,2%, cao hơn mức mục tiêu 2%, và tăng trưởng đã có dấu hiệu phục hồi bất chấp chuỗi tăng lãi suất của Fed. Đồng thời, tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng có thể làm chậm quá trình cho vay và làm tăng khả năng xảy ra suy thoái, trong khi một cuộc tranh cãi về trần nợ công có thể gây ra biến động trên thị trường, bên cạnh những rủi ro khác.
Kể từ đầu tháng 3, 3 ngân hàng lớn ở Mỹ đã sụp đổ và cần sự can thiệp của chính phủ. Các quan chức Fed đã cân nhắc không nâng lãi suất vào tháng 3 cú ngã ngựa của 2 nhà băng khu vực – Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature Bank, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Song cuối cùng họ kết luận rằng căng thẳng đã lắng dịu đủ để quyết định tiếp tục nâng lãi suất vào ngày 22.3.
Việc Ngân hàng First Republic bị Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ tiếp quản và bán cho JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ, theo thỏa thuận được công bố hôm 1.5, cho thấy rõ những căng thẳng đó vẫn đang phủ bóng đen lên nền kinh tế hàng đầu thế giới ra sao.
Nguồn: thanhnien.vn