Thursday, November 28, 2024

U.22 Việt Nam: Tìm thêm nguồn sống từ ‘bóng chết’

U.22 Việt Nam cần tận dụng tốt hơn các tình huống cố định, trong bối cảnh các trận đấu gặp U.22 Malaysia và U.22 Thái Lan hứa hẹn sẽ rất chặt chẽ và khó khăn.

U.22 Việt Nam đã ghi 5 bàn thắng, giành trọn vẹn 6 điểm trước U.22 Lào và U.22 Singapore ở nửa đầu chặng đường vòng bảng SEA Games 32. Dù còn nhiều thiếu sót trong khâu vận hành lối chơi hay điểm rơi phong độ của một số cầu thủ chưa ưng ý, nhưng nhìn chung, U.22 Việt Nam đã thể hiện những điểm sáng nhất định.

Đó là ý tưởng chơi bóng đã hình thành và tiến bộ qua từng trận. Các cầu thủ có ý thức di chuyển đến khoảng trống giữa các tuyến, bình tĩnh triển khai bóng hơn để tìm kẽ hở.

U.22 Việt Nam: Tìm thêm nguồn sống từ

U.22 Việt Nam chưa tận dụng tốt các pha đá phạt

NGỌC DƯƠNG

Đặc biệt, 4 trong số 5 bàn U.22 Việt Nam ghi được từ đầu giải đến từ những tình huống chuyển đổi trạng thái sau khi giành lại quyền kiểm soát bóng. Đó là khi các học trò của HLV Philippe Troussier tận dụng thời điểm đối thủ xộc xệch đội hình để có bàn thắng chớp nhoáng.

Tuy nhiên, cả 5 bàn của U.22 Việt Nam đến thời điểm này đều đến từ “bóng sống”. Còn ở các tình huống cố định, Khuất Văn Khang cùng đồng đội chưa tận dụng được. Theo thống kê, U.22 Việt Nam được hưởng 13 quả phạt góc trong 2 trận đã qua. Bên cạnh phạt góc, đội cũng có một số tình huống đá phạt gián tiếp, trực tiếp, nhưng hiệu quả bàn thắng ở các tình huống này là con số 0.

Tình huống cố định là một trong những giải pháp tìm bàn thắng hiệu quả nhất trong bóng đá. Chia sẻ với Thanh Niên, ông Steve Darby, cựu HLV đội tuyển nữ Việt Nam khẳng định khoảng 35 đến 40% các bàn thắng hiện nay được ghi nhờ các pha “bóng chết”. Khác với bàn thắng được ghi từ bóng sống, vốn thường đòi hỏi rất cao ở khâu tổ chức đội hình, luân chuyển bóng bài bản trong một hệ thống tối ưu và ổn định, bàn thắng từ “bóng chết” không đòi hỏi nhiều như thế.

U.22 Việt Nam: Tìm thêm nguồn sống từ

U.22 Việt Nam cần thêm giải pháp tấn công

NGỌC DƯƠNG

Để dàn xếp một tình huống cố định thành bàn, tất nhiên các đội bóng cũng phải có bài vở phối hợp giữa người tạt và người đánh đầu, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho cầu thủ chạy chỗ hút người, cầu thủ dứt điểm hay cầu thủ đón bóng hai,… Nhưng nhìn chung, nếu có những miếng đánh hiệu quả ở các pha đá phạt góc hay phạt trực tiếp, các đội bóng sẽ có thêm vũ khí lợi hại để công phá hàng phòng ngự đối thủ.

So với phối hợp “bóng sống”, thì các pha “bóng chết” tiềm ẩn rủi ro ít hơn. Để có thể triển khai lối chơi kiểm soát tấn công bài bản, U.22 Việt Nam sẽ mất rất nhiều thời gian chờ sự ăn khớp giữa các tuyến. Nhưng với tình huống cố định, học trò của HLV Troussier chỉ cần một khoảnh khắc.

U.22 Việt Nam đã vô địch SEA Games 30 và 31 nhờ tìm được nguồn sống từ “bóng chết” hiệu quả. Dù vậy, trước đây U.22 Việt Nam có những “cây sào” giỏi không chiến trong đội hình với chiều cao trên 1m80 như Văn Hậu, Tấn Sinh, Tiến Linh, Thành Chung, Việt Anh, Thanh Bình,… Với dàn cầu thủ cao lớn, việc tăng cơ hội đe dọa cầu môn đối thủ là đương nhiên.

Song, thể hình đang là thiếu hụt của lứa U.22 Việt Nam do ông Troussier huấn luyện. Ở trận gặp U.22 Singapore, U.22 Việt Nam đã có lần đầu tiên trong nhiều năm ra sân mà không có một cầu thủ nào cao trên 1m80 ở hệ thống phòng ngự. Trên tuyến tấn công, Văn Tùng là cầu thủ hiếm hoi không chiến giỏi.

U.22 Việt Nam: Tìm thêm nguồn sống từ

Văn Tùng khai thác không gian trong vòng cấm rất tốt

NGỌC DƯƠNG

Với chiều cao khiêm tốn, U.22 Việt Nam tương đối khó khăn khi va chạm cơ bắp với các hậu vệ của U.22 Lào và U.22 Singapore. Ngoài ra, U.22 Việt Nam cũng đang thiếu những chân đá phạt cừ khôi. Minh Trọng hay Văn Đô, những cầu thủ chuyên trách đá phạt ở tình huống cố định, đều cần thời gian để mài sắc chất lượng xử lý.

Không cần tình huống cố định, U.22 Việt Nam vẫn thắng U.22 Lào và U.22 Singapore. Dù vậy, gặp những đội dưới cơ, U.22 Việt Nam có thể thắng bằng sự hơn phân về đội hình và chất lượng thi đấu.

Còn khi so tài với những đội có chất lượng đội hình và lối chơi tương đương (hoặc nhỉnh hơn) như U.22 Malaysia hay U.22 Thái Lan, U.22 Việt Nam cần nhiều hơn những mảng miếng tiếp cận, thay vì chỉ phối hợp “bóng sống” thuần túy. Đây sẽ là những trận đấu rất chặt chẽ, ít sai lầm, bởi U.22 Malaysia hay U.22 Thái Lan đều đủ nhiều kinh nghiệm để bó hẹp khoảng trống phòng ngự, đẩy U.22 Việt Nam vào thế khó.

Khi ấy, một quả phạt góc, hay một pha dứt điểm hiệu quả từ chấm đá phạt sẽ xoay chuyển tình thế. Tính ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, U.22 Việt Nam đã ghi 4 bàn vào lưới U.22 Malaysia và U.22 Thái Lan. 2 bàn trong số này đến từ tình huống cố định và 2 bàn còn lại xuất phát từ tạt cánh đánh đầu, đều diễn ra trong những thế trận chặt chẽ và ít cơ hội. U.22 Việt Nam sẽ tận dụng được vũ khí này trong trận đấu tới?

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img