Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tại Tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam (VILOG 2023) do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và Công ty Vinexad tổ chức chiều 11/5.

Logistics Việt Nam có quy mô hơn 40 tỷ USD/năm

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Theo ông Trần Thanh Hải, số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Ông Hải cũng cho biết, theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải đánh giá ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…

Tại Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho logistics, trong đó bao gồm “Đăng cai, tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics”.

Như vậy, việc tổ chức Triển lãm Quốc tế logistics Việt Nam 2023 nhằm triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra, đây là một hoạt động không thể thiếu để ngành dịch vụ logistics Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến, kết nối, giới thiệu mình với thế giới.

Đây cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp.

Logistics Việt Nam có quy mô hơn 40 tỷ USD/năm

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, đây là lần đầu tiên, tại Việt Nam có 1 triển lãm riêng biệt dành cho ngành kinh doanh dịch vụ logistics.

Do đó, VLA kỳ vọng triển lãm sẽ tập hợp được những doanh nghiệp hàng đầu về logistics tại Việt Nam. Qua đó, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ diễn ra mạnh mẽ, giúp thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, đồng thời tạo tiếng vang kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics.

Vẫn theo ông Nguyễn Duy Minh, triển lãm VILOG 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh với 4 nhóm ngành hàng và dịch vụ chính, như vận tải và giao nhận; dịch vụ và thiết bị kho bãi/nhà xưởng; đóng gói và chuỗi cung ứng lạnh; ứng dụng công nghệ logistics.

Với các nhóm ngành hàng và dịch vụ này thì hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đều có thể tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, trước xu hướng số hóa và xanh hóa ngành dịch vụ logistics hướng tới phát triển bền vững, tại triển lãm lần này sẽ có rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ về công nghệ phục vụ cho ngành logistics.

Ông Nguyễn Duy Minh kỳ vọng triển lãm sẽ góp phần giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược kinh doanh trong thời gian tới; tìm ra giải pháp, áp dụng công nghệ số hóa trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ, sản phẩm; thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.

Vấn đề trong logistics là chuỗi cung ứng lạnh

Ông Hậu Hồng Băng, Phó Chủ tịch kiêm đại diện Phòng Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) chia sẻ, sau sự ra đời và tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các công ty logistics cần hợp tác với nhau để đối phó với thương mại điện tử. Điều này đã hình thành một mô hình hợp tác kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong logistics.

Logistics Việt Nam có quy mô hơn 40 tỷ USD/năm

Tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam (VILOG 2023).

Ông Hậu Hồng Băng cho rằng, sự phát triển của thương mại điện tử cũng đã nâng cao chất lượng quản lý hiện đại hóa của ngành logistics. Chế độ quản lý và vận hành duy nhất của logistics truyền thống không còn đáp ứng được nhu cầu của thương mại điện tử, do đó hệ thống quản lý phần mềm và các cơ sở hỗ trợ phần cứng tương ứng của ngành logistics cũng cần được nâng cấp, cải tiến và phát triển.

“Có một vấn đề nữa trong logistics là chuỗi cung ứng lạnh. Các ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó thực phẩm chiếm tỉ trọng rất lớn. Đối với việc vận chuyển thực phẩm chắc chắn sẽ khó khăn hơn, nhiều loại thực phẩm cần giữ tươi sống phải vận chuyển qua chuỗi cung ứng lạnh, điều này càng thể hiện rõ tầm quan trọng của logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Hậu Hồng Băng nói.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng Giám đốc Ratraco cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu tìm kiếm thêm các đối tác vận tải, kho bãi, đối tác cung ứng trang thiết bị như container lạnh, thiết bị IoT (các thiết bị có khả năng kết nối internet, có thể thu thập và trao đổi dữ liệu cho nhau), phần mềm, công nghệ xử lý làm sạch, khử khuẩn để tiếp tục hoàn thiện giải pháp vận tải container lạnh trên đường sắt cả nội địa và quốc tế cung cấp cho thị trường.

Logistics Việt Nam có quy mô hơn 40 tỷ USD/năm

Bà Nguyễn Thu Hồng – Phó Tổng giám đốc Công ty Vinexad.

“Vấn đề này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, giải pháp vận tải lạnh cho các chủ hàng không chỉ nội địa mà còn là giải pháp đáng quan tâm cho chủ hàng khi cung ứng, vận chuyển hàng lạnh vào sâu lục địa thị trường Trung Quốc”, ông Hùng nói.

Trao đổi về những điểm nổi bật của Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam (VILOG 2023), bà Nguyễn Thu Hồng – Phó Tổng giám đốc Công ty Vinexad cho biết, một trong những phân ngành được quan tâm nhất tại VILOG 2023 là ứng dụng công nghệ logistics.

Những tiến bộ trong công nghệ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta theo nhiều cách không thể đong đếm được; trong lĩnh vực logistics cũng vậy, công nghệ mới đang thay đổi nhanh chóng cách thức hoạt động kinh doanh.

Với nhu cầu của người tiêu dùng về việc vận chuyển nhanh hơn, rẻ hơn và linh hoạt hơn, việc bắt kịp nhịp phát triển định hình ngành logistics ngày nay là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

“Trước làn sóng mua sắm trực tuyến ngày càng mạnh, đầu tư, ứng dụng công nghệ logistics được đánh giá là giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng trong thời gian tới”, bà Hồng nói.