chinh-sach-ro-rang-se-thuc-day-tang-truong-xanh-va-ben-vung

Đây là chia sẻ của ông Gabor Fluit – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với DĐDN. Theo ông Gabor Fluit, với nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào của Việt Nam, điều quan trọng là phải chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo. Các vấn đề về rác thải và thiếu nước cũng có thể được giải quyết với mô hình kinh tế tuần hoàn.

– Thưa ông, doanh nghiệp châu Âu đánh giá như thế nào về cơ hội hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam?

Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có cam kết mạnh mẽ đưa phác thải ròng về 0 vào năm 2050. Theo EuroCham, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam nên đưa ra những mục tiêu ngắn cho từng giai đoạn cụ thể, chẳng hạn mục tiêu hướng đến cho năm 2025 và năm 2030 là gì. Chuẩn bị cho tương lai, việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách. Chính phủ nên khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy một tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn, điều cần thiết là hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than. Việt Nam có lợi thế để tạo cơ hội phát triển điện sạch rất lớn từ nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào.

Điều quan trọng là phải chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo này. Việc sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu chuyển đổi sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này và Việt Nam nên triển khai sớm.

– Ông có thể chia sẻ mong muốn của doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

Kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp châu Âu là chính sách rõ ràng để đưa ra cam kết đầu tư những khoản vốn lớn. Nếu chính sách không rõ ràng, doanh nghiệp không dám đầu tư. Gần đây, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào điện mặt trời nhưng điện gió thì giá trị đầu tư còn hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Việt Nam triển khai sớm để không bị lỡ cơ hội, nhất là Quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó, hiện tại thủ tục đầu tư vào lĩnh vực này còn phức tạp, các doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam cần xem xét lại và tiếp tục cải cách thể chế theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Vấn đề chính hiện nay trong việc phát triển ngành công nghiệp này xuất phát từ việc không nhất quán trong cách giải thích của các địa phương về thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án điện mặt trời áp mái (RTS). Thậm chí, có cơ quan chức năng từ chối tiếp nhận hồ sơ do chưa hiểu hết các yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật. Việc thiếu hướng dẫn rõ ràng về cấp phép xây dựng cho các dự án điện mặt trời áp mái được cho là lý do chính.

– Ông có kiến nghị gì để tháo gỡ những vướng mắc trên?

Để giải quyết, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương cần phối hợp để ban hành quy trình, hướng dẫn cụ thể trên toàn quốc về cấp phép xây dựng cho dự án điện mặt trời áp mái (RTS) dưới 1 MW và trên 1 MW.
Bên cạnh đó, các cơ quan phòng cháy, chữa cháy (PCCC) địa phương cần hướng dẫn thủ tục nhất quán. Thực tế, việc có được giấy phép PCCC mất rất nhiều thời gian, dù Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã có công văn hướng dẫn từ tháng 9/2020.

Đồng thời, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện các quy định về chấp thuận khảo sát ngoài khơi cũng như xem xét và phê duyệt đơn xin phép khảo sát ngoài khơi của các nhà phát triển để đáp ứng mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.

– Xin cảm ơn ông!

Chính sách rõ ràng sẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững