Doanh nghiệp dệt may không chỉ thiếu đơn hàng mà đang đối mặt với rủi ro trong thanh toán chậm dẫn đến những áp lực trong cân đối dòng tiền.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp dệt may tại diễn đàn của ngành ngân hàng mới đây.
Theo ông Trương Văn Cẩm, khoảng 85 – 86% sản phẩm của ngành dệt may phục vụ xuất khẩu nên bất kỳ biến động nào của kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng đến ngành hàng này. Hiện nay, suy thoái kinh tế đang làm giảm đơn hàng của doanh nghiệp do lượng tồn kho lớn, người dân các nước hạn chế chi tiêu mặt hàng này.
Ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm: Nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp dệt may phục hồi tăng trưởng, đơn hàng nhiều, giá bán tốt. Tuy nhiên, khi hàng giao đến tay khách hàng cũng là thời điểm kinh tế suy giảm, tiêu thụ kém, dẫn đến hàng tồn kho nhiều.
Khó khăn của ngành dệt may bắt đầu từ cuối quý III năm ngoái và kéo dài cho đến hiện nay. Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn cùng nhấn mạnh: đây là giai đoạn rất khó khăn và chưa có tiền lệ với ngành dệt may. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm nay đạt 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Lãnh đạo Hiệp hội dự báo: tình hình khó khăn của ngành do đơn hàng giảm có thể kéo dài sang quý III và nhanh nhất sang quý IV mới dần phục hồi.
Cuối tháng 4, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023, rất nhiều doanh nghiệp dệt may đã đưa ra nhận định không mấy sáng sủa về tình hình sản xuất kinh doanh trong năm nay. Các doanh nghiệp phải tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng và đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân như nhận đơn hàng giá thấp hoặc sản xuất kinh doanh những mặt hàng vốn không phải thế mạnh.
Việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá khách hàng cũng được nhiều tính đến để tìm những phân khúc thị trường riêng, thị trường ngách. Tuy nhiên, việc này cũng gặp một số khó khăn nhất định do rào cản về thương mại.
Trong khi đó, khách hàng có xu thế giãn thời gian giao hàng và thời hạn trả nợ khiến cho thời gian thu hồi vốn bị kéo dài, nhu cầu vốn lưu động tăng. Tuy nhiên, do hạn mức vay ngân hàng nên doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với áp lực cân đối dòng tiền.
Trước thực trạng khó khăn, Phó Chủ tịch Trương Văn Cẩm mong muốn những chính sách về tín dụng, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn như giảm lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ cho doanh nghiệp theo tinh thần Thông tư 02/2023.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng xem xét cơ cấu lại nguồn vốn giữa các ngành kinh tế để hỗ trợ tốt hơn cho ngành dệt may. Trong đó, cần có chính sách ưu đãi về nguồn lực cho ngành dệt may chuyển đổi sản xuất bền vững – hướng phát triển tất yếu trong những năm tới. Hiện nay dư nợ dành cho ngành dệt may còn rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn để chuyển đổi rất lớn, khoảng 500.000-600.000 tỷ đồng.
Kinh nghiệm của Bangladesh cho thấy, quốc gia này khẩn trương thực hiện chiến lược “xanh hóa” dệt may thông qua chính sách hỗ trợ tín dụng để đến nay nhiều nhà máy ở đây đã đáp ứng được tiêu chuẩn xanh. Điều này đồng nghĩa với việc Bangladesh khai thác rất tốt cơ hội thị trường, tăng trưởng đơn hàng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn