Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chính thức khai mạc tại Hiroshima, Nhật Bản. Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhưng cũng chính là lúc các thành viên G7 thể hiện vai trò trung tâm trong giải quyết vấn đề của khu vực và thế giới.
Hiroshima – nơi cam kết thế giới không vũ khí hạt nhân
Một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tuy không phải là nội dung nghị sự quan trọng nhất, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt đối với Nhật Bản. Mặc dù Nhật Bản đến nay vẫn chưa ký vào Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc, và các cường quốc hạt nhân đều không tham gia Hiệp ước này, nhưng Nhật Bản luôn khẳng định lập trường hướng tới một thế giới không hạt nhân, mong muốn đạt được những tiến bộ thực tế và ổn định về giải giáp hạt nhân trong khi vẫn duy trì và tăng cường khả năng răn đe để đối phó với các mối đe dọa.
Là quốc gia duy nhất phải hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân vào năm 1945 tại Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản luôn tìm cách thể hiện mình là nước đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải trừ hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trên quan điểm đó, không chỉ tại Hội nghị G7 lần này, mà nhiều diễn đàn quốc tế tổ chức tại Nhật Bản, chính quyền Tokyo đều mời, hoặc thuyết phục các nhà lãnh đạo, đặc biệt là Mỹ tới dâng hoa tưởng niệm tại Hiroshima và Nagasaki như một cam kết rằng vũ khí hạt nhân không thể gây hiểm họa thêm một lần nào nữa.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân dịp tham dự Hội nghị G7 tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2016 đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Công viên hòa bình Hiroshima. Dự kiến, các nhà lãnh đạo G7 lần này sẽ thực hiện nghi thức tương tự như một minh chứng cho sự không cần thiết của vũ khí hạt nhân.
Là nước chủ nhà Hội nghị G7 2023, Nhật Bản hy vọng vấn đề vũ khí hạt nhân sẽ được thảo luận nghiêm túc, hướng tới đạt được đồng thuận của các thành viên G7 cùng cam kết thực hiện chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, dự kiến một văn kiện về tầm quan trọng của hành động thúc đẩy không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ được công bố.
Các hành động này cũng bao gồm nỗ lực để duy trì lịch sử không sử dụng vũ khí hạt nhân, giảm số lượng vũ khí hạt nhân và thúc giục các cường quốc hạt nhân minh bạch hơn về năng lực hạt nhân của mình…
Xung đột Nga-Ukraine, tiêu điểm của hội nghị
Ngoài những nội dung thuộc nội bộ của các nước thành viên, trong vấn đề quốc tế, xung đột Nga – Ukraine là tiêu điểm chính của Hội nghị G7 lần này. Nhật Bản đã chuẩn bị rất kỹ càng về nội dung này ngay từ nhiều tháng trước và đã được thông qua bước đầu tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra vào trung tuần tháng 4 tại Nagano, Nhật Bản.
Theo đó, Hội nghị G7 lần này mong muốn thống nhất tiếp tục viện trợ cho Ukraine và thực hiện một cách nghiêm khắc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, đồng thời phê phán mạnh mẽ việc Nga trang bị vũ khí hạt nhân cho Belarus, yêu cầu các nước thứ 3 ngừng cung cấp vũ khí vào Nga, yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động chi viện đối với Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong một phát biểu đề cập đến các biện pháp trừng phạt đang áp dụng đối với Moscow cho biết các biện pháp trừng phạt đã tạo ra một số kết quả như lĩnh vực chế tạo ô tô và sản xuất vũ khí của Nga chậm trễ do thiếu vật liệu bán dẫn. Tuy nhiên, ông cho biết một số người chỉ ra rằng Nga đang né tránh các lệnh trừng phạt.
Nhật Bản hy vọng tái khẳng định hợp tác giữa G7 và các đối tác khác để ngăn Nga né tránh các lệnh trừng phạt và có được vũ khí từ bên thứ 3.
Trong khi đó, các nước phương Tây trong đó có các thành viên G7 gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, tiếp tục cam kết đẩy mạnh cung cấp khí tài, đạn dược, cam kết triển khai xe tăng hỗ trợ cho Kiev trên thực địa.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh đã tung ra khoảng 11.000 lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, tác động chủ yếu theo 5 cách, gồm: tài chính, thương mại, công nghệ, năng lượng và giới tinh hoa Nga, đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử phải hứng chịu số lệnh trừng phạt cao kỷ lục.
Trước các diễn biến hiện nay, G7 vẫn mong muốn cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc. Tuy nhiên, để đạt được sự mong muốn này không thể một Hội nghị mà có thể giải quyết, đòi hỏi các bên phải ngồi lại với nhau không chỉ riêng Nga hay Ukraine bởi có quá nhiều bên liên quan. Nhưng mấu chốt ở đây là làm sao có giải pháp trước hết để Nga và Ukraine có thể thấy lợi ích quốc gia, uy tín cá nhân không bị thiệt thòi.
Vấn đề riêng trong hành động chung
Hội nghị G7 kỳ vọng sẽ đưa ra được Tuyên bố chung bao hàm các nội dung quan trọng . Tuy nhiên, không phải tất cả các vấn đề đưa ra đều có thể đạt được sự đồng thuận. Đây là điều hết sức bình thường, bởi có những vấn đề riêng của từng thành viên, nhưng mong muốn sự ủng hộ ở góc độ nào đó của Nhóm.
Tại Hội nghị lần này, Nhật Bản có thể sẽ đưa ra vấn đề việc xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển một cách khoa học, mong muốn các thành viên ủng hộ.
Đây là vấn đề mà Nhật Bản là nước đưa ra tại nhiều diễn đàn quốc tế trước đó. Nhật mong muốn trước tiên là sự ủng hộ của các nước G7. Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 diễn ra ngày 16/4 tại thành phố Sapporo (tỉnh Hokkaido), Nhật Bản vừa qua về vấn đề khí hậu, năng lượng và môi trường đã đưa ra Tuyên bố chung hoan nghênh các nỗ lực rõ ràng của Nhật Bản. Ngoài ra còn có nội dung ủng hộ việc IAEA thực hiện kiểm chứng tính an toàn của nước thải nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima.
Tokyo có kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển trễ nhất là vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, việc này có một số ý kiến trái chiều.
Do đó, vấn đề này có thể sẽ có kết luận bao quát tại Hội nghị G7, nhưng có lẽ khó đạt được sự hoan nghênh việc xả nước thải ra biển. Đó chỉ là một vấn đề trong rất nhiều vấn đề. Với sự chuẩn bị chu đáo của Nhật Bản, chắc chắn Hội nghị G7 sẽ thành công và đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết nhiều vấn đề của khu vực và thế giới./.
Nguồn: vov.vn