Friday, March 29, 2024

Đối đáp thế nào nếu bị chê bai, chọc quê, miệt thị?

Trong tình huống bị người khác cà khịa, chọc quê, miệt thị, có thể bị bẽ mặt giữa đám đông. Đâu là cách ứng xử tinh tế mà người trẻ cần lưu ý?

 

Mới đây, trên một diễn đàn dành cho học sinh có bài viết thu hút lượng tương tác khủng với hơn 27.000 lượt yêu thích, hơn 3.000 lượt bình luận và hàng ngàn lượt chia sẻ. Trong bài viết này, nữ sinh lớp 10 kể lại chuyện bị bạn cùng lớp thường xuyên “cà khịa” để chọc quê bằng những câu như: “Sao mày quê mùa vậy?”, “Mày học lớp 10 rồi mà không biết kẻ eyeliner (kỹ năng không thể thiếu trong trang điểm mắt – PV) à?”, “Chắc mày không biết đu trend TikTok đâu nhỉ”… Ngoài ra, nhiều lúc nữ sinh này còn bị bạn miệt thị ngoại hình là “xấu”.

Đối đáp thế nào nếu bị chê bai, chọc quê, miệt thị?

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của câu chuyện miệt thị, chọc quê

 

Theo nữ sinh, vì nhà không khá giả nên chỉ muốn tập trung học, không có điều kiện để trang điểm, chạy theo “mốt”. Thế nhưng chính điều này đã trở thành lý do bị bạn bè chọc quê, miệt thị.

Trong mỗi tình huống, nữ sinh đều đối đáp lại người chê bai mình như: “Mình không biết kẻ eyeliner nhưng mình biết giải bài tập xác suất, còn bạn thì không”. Khi bị chê là không biết đu trend TikTok, nữ sinh đã phản ứng lại bằng cách hỏi người chê mình rằng: “Thế có biết mùi giấy khen xuất sắc không?”…

Theo dõi câu chuyện này, nhiều ý kiến ví von đây là trường hợp “cao thủ gặp thách đấu”. Có nghĩa là dù bị người khác xúc phạm, chê bai, nhưng nữ sinh vẫn đối đáp lại một cách thông minh.

Đặng Thị Như Thảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quốc Tuấn, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết cách xử lý của nữ sinh trong câu chuyện trên rất thông minh. “Mình phải bắt chước cách ứng xử giống như vậy để áp dụng mỗi khi bị người khác miệt thị, chỉ trích”, Thảo nói.

Nguyễn Hoàng Việt, học sinh lớp 11 Trường THPT Tam Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cũng nói: “Rất ấn tượng với cách đối đáp xuất sắc của nữ sinh lớp 10. Nói ra câu nào, chất câu đó. Mình nhận ra, khi bị người khác xúc phạm, nên sử dụng những yếu tố là ưu điểm của bản thân và là nhược điểm của người kia để phản kháng lại”.

Đào Thanh Chương, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết đã từng bị người khác chọc quê. Một lần, trong giờ học thể dục, Chương bị cả nhóm bạn chê bai vì mang đồng hồ giá rẻ, chạy chiếc xe cà tàng, mặc đồ không có phong cách, mặt mụn, cận thị nặng…

“Lúc đó, mình buồn lắm. Nhưng cũng chỉ cười và vội bỏ đi chỗ khác chứ không biết phải làm sao”, Chương nhớ lại.

Đối đáp thế nào nếu bị chê bai, chọc quê, miệt thị?

Không phải người trẻ nào cũng biết cách để ứng xử tinh tế khi bị người khác chê bai

Đâu là cách ứng xử tinh tế?

Chuyên gia kỹ năng sống Lê Minh Vũ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết việc chọc quê, miệt thị, chê bai lẫn nhau xuất hiện thường xuyên và phổ biến trong học đường. Chỉ cần lý do là “không thích chơi với đứa đó”, là sẽ tìm kiếm đủ mọi cách để chọc quê. Từ ngoại hình, gương mặt cho đến cách ăn mặc, kiểu tóc… đều có thể là chủ đề để những người không ưa nhau sẽ miệt thị nhau.

“Khi nói chuyện với học sinh các trường THPT, nhiều em cho biết đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, bị bạn cùng lớp, cùng trường bêu xấu, chê bai đủ điều. Và khi đó, nhiều học sinh không biết phải làm sao?”, anh Vũ chia sẻ.

Theo anh Vũ, tùy mỗi trường hợp sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Tuy nhiên, hãy bắt đầu bằng câu nói: “Mình không muốn ai chê mình. Và mình tin bạn cũng không muốn bị ai chê cả. Vậy nên mình hy vọng đừng xúc phạm lẫn nhau”.

Nếu sự việc không dừng lại, vẫn bị người khác cố tình bêu rếu, chỉ trích, miệt thị, anh Vũ khuyên nên sử dụng tri thức và đối đáp lại một cách nhã nhặn, tinh tế và có văn hóa.

Chẳng hạn, nếu bị chê không biết những “hot trend” hiện nay trên mạng xã hội, có thể mỉm cười và nhẹ nhàng nói lại: “Tại mình lo dành thời gian học nhiều quá nên không có thời gian tham gia TikTok, Facebook. Có thể một lúc nào đó rảnh rỗi, mình sẽ lướt để xem những “hot trend” hiện nay là gì. Nếu lỡ có gì không hiểu, mình sẽ nhờ bạn giúp nhé. Nhớ là khi đó đừng có từ chối đấy”. 

Hoặc như khi bị chê bai đăng hình lên Facebook có vài chục lượt yêu thích chứ không được cả ngàn lượt tương tác như người khác, hãy thử nói: “Do thời gian qua mình bận bịu ôn thi tiếng Anh. Mình vừa hoàn thành xong kỳ thi IELTS được 7.5. Thời gian tới là nghỉ hè, mình sẽ sử dụng Facebook nhiều hơn, mong là được lượt yêu thích nhiều giống như bạn” hoặc dò hỏi: “Bạn có cách nào giúp tương tác Facebook cao hơn không, hãy chỉ giúp mình, mình thật biết ơn”…

Anh Vũ đúc kết: “Dù ở trường hợp nào cũng có cách ứng xử tinh tế. Phải tỏ thái độ nhã nhặn, nói những câu từ văn hóa, không được sửng cồ, nổi nóng rồi có những câu nói mang tính mất kiểm soát”.

Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Huỳnh Thanh Hoa, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, cho rằng chuyện những nhóm bạn “chia phe”, sau đó “dìm hàng” người khác bằng những câu nói mang tính xúc phạm là sự việc diễn ra rất nhiều ở trường học, đặc biệt là bậc THPT. 

Bất kỳ học sinh nào cũng có thể là nạn nhân của vấn nạn miệt thị, sỉ nhục bằng những lời nói, câu chữ đầy ác ý. Chị Hoa cũng cho rằng từ những chuyện miệt thị, chê bai, chọc quê lẫn nhau, chính là những yếu tố góp phần gia tăng bạo lực học đường trong thời gian qua.

Chị Hoa hướng dẫn: “Nếu bị chê là mập, là xấu, là chân ngắn… đừng vội buồn. Thay vào đó, chỉ cần đối đáp lại một cách khéo léo, như: dạo này mình thức khuya để học bài nhiều nên có vẻ như bị tăng cân; đúng là bao lâu nay mình chỉ chăm chút cho việc học nên không chăm chút cho ngoại hình để rồi nhìn không được đẹp cho lắm; mình cũng hy vọng là sau này chân sẽ dài hơn… Chỉ cần nói từ tốn như thế cho qua chuyện, không cần dành thời gian đáp trả lại lẫn nhau dễ dẫn đến những cự cãi, đẩy mâu thuẫn lên mức cao hơn”.

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img