Saturday, April 20, 2024

Khi học sinh ‘bội thực’ việc học

Đọc bức tâm thư của nữ sinh lớp 11 trên Báo Thanh Niên, tôi cảm nhận tiếng lòng tha thiết của một bạn trẻ về việc học. Hãy cởi trói áp lực học hành, giảm tải căn bệnh thành tích, thay đổi định kiến cuồng điểm số và trao cho trẻ cơ hội được trải nghiệm những hoạt động thú vị khi hè về.

Trong bức tâm thư về việc học trên Báo Thanh Niên ngày 21.5, Phạm Thanh Thư, học sinh lớp 11 Trường THPT Bảo Lộc (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), viết: “Em ước gì các buổi học trên lớp, số lần kiểm tra sẽ được giảm, hạn chế đánh giá học sinh bằng điểm số, thay vào đó, tổ chức các buổi trải nghiệm ngoài thực tế như học cách sinh tồn khi gặp hiểm nguy…”.

Rõ ràng những hoạt động đọc sách, học bơi, xem phim, rèn kỹ năng sống, chuẩn bị khởi nghiệp… là mong ước chính đáng của hàng triệu học sinh, nhưng các em đang bị ‘bội thực’ việc học.

Gần đây, nhiều phụ huynh thắc mắc vì sao chương trình giảm tải mà sao con em chúng tôi vẫn phải học ngày học đêm. Câu hỏi đầy trăn trở và day dứt ấy là nỗi lòng chung của chúng ta khi tiếp cận chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cả 3 cấp học.

Chương trình mới này được nhận định là giảm tải số môn học, giảm số tiết thực học, tăng cường thực hành và tính ứng dụng, chú trọng tư duy phản biện và tính sáng tạo của người học.

Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, chúng tôi nhận ra nhiều vướng mắc với nhiều suy tư và lắm lúc thở dài thườn thượt bởi một số lý do sau đây.

Khi học sinh

Học sinh cần được cởi trói bớt áp lực việc học

Đặt ra mục tiêu quá cao cho học sinh

 

Nghe một người bạn kể về hành trình giúp con gái của mình ôn bài thi cuối kỳ lớp 2, tôi tự hỏi vì sao kiến thức vỡ lòng cho trẻ tiểu học lại khó đến thế.

Cụ thể, bé loay hoay phân biệt từ chỉ trạng thái và từ chỉ sự vật. Mẹ và con tranh cãi, phân vân xếp loại các từ vào nhóm từ loại. Rồi con phải “đánh vật” với các kiểu câu “ai thế nào, ai làm gì”… Câu chuyện này rõ ràng cho thấy “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” giờ dồn ép vào đầu những đứa trẻ mới 7 tuổi.

Nếu không cho con học thêm từ bậc tiểu học, tôi tự hỏi liệu rằng bố mẹ có thể kham nổi khâu ôn bài, luyện đề cho con theo mức độ cần đạt ngày càng tăng dần hay không?

Cảnh anh chị lớn kèm cặp bài vở cho em út trong nhà hầu như không còn, bởi mỗi cháu cách nhau 2-3 lớp đã khác biệt chương trình. Chưa kể, các trường lại dùng các bộ sách giáo khoa khác nhau. 

Vì thế, nhiều gia đình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con đến nhà cô sau buổi học chính khóa. Và cảnh “bội thực” việc học khiến trẻ mệt mỏi ngày càng nhan nhản.

Chương trình mới “tăng tải” bởi sự dồn ép kiến thức, kỹ năng

 

Xin tạm bỏ qua sự rối rắm khi “3 thầy 1 sách”, “2 thầy 1 sách” trong những môn tích hợp, tôi chỉ muốn nhấn mạnh về áp lực kiến thức và kỹ năng trong môn ngữ văn bậc THCS. 

Đây là năm thứ hai, chúng tôi theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống ở lớp 6. Tôi chứng kiến cảnh nhiều lần giáo viên lẫn học sinh “cùng đuối” vì phải chạy đua với bài vở. Nhiều văn bản mới tinh lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy. Hàng loạt tác phẩm lớn trong chương trình trước (như tác phẩm Mây và sóng ở lớp 9, Cô bé bán diêm ở lớp 8) bị đẩy xuống dạy ở lớp 6. 

Ngay đến văn bản Cô Tô cực kỳ tinh tế, điêu luyện trong việc sử dụng ngôn ngữ, tác giả viết sách còn cố đưa thêm một đoạn ngữ liệu khá dài ở phần đầu vào khiến bài đọc hiểu thêm  khó khăn đối với học sinh đầu cấp.

Phần tiếng Việt thì dồn dập kiến thức cần tìm hiểu, kỹ năng cần vun bồi. Bên cạnh đó là hàng loạt bài tập về nhiều đơn vị kiến thức khác nhau. Người soạn sách lý giải rằng học sinh đã được làm quen những kiến thức đó từ tiểu học, giờ chỉ thực hành ứng dụng nâng cao. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng tươi sáng và mượt mà như thế.

Trong cùng một bài học, phần viết yêu cầu học sinh phải luyện 3 dạng đề liên tiếp: tập làm thơ lục bát, viết đoạn văn trình bày cảm xúc về một đoạn thơ lục bát, rồi chuẩn bị một bài văn trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương. Giáo viên dạy trong hoang mang, học sinh mải mướt rượt đuổi theo yêu cầu của chương trình.

Khi học sinh

Học sinh phải đối mặt một lượng lớn kiến thức từ bậc tiểu học

“Khó xử” với đổi mới kiểm tra và đánh giá 

Ngay từ đầu năm học này, Bộ GD-ĐT đổi mới kiểm tra đánh giá bằng cách yêu cầu các đề kiểm tra văn phải sử dụng ngữ liệu ngoài chương trình. Riêng phần viết chiếm phần lớn điểm kiểm tra cũng phải làm văn trên ngữ liệu mới. Đây là yêu cầu cần thiết để tránh việc dạy và học theo văn mẫu. Tuy nhiên, khi vận dụng vào thực tế bao câu chuyện bi hài bắt đầu manh nha. 

Thầy mải mướt tìm ngữ liệu xây dựng đề. Trò loay hoay ôn tập và chẳng biết bắt đầu từ đâu, định hướng thế nào. Những đề văn dài dằng dặc 2-3 trang A4 bắt đầu xuất hiện. Học sinh lớp 6, 7 và 10 phải tập trung đọc hiểu một ngữ liệu mới, trả lời hàng chục câu hỏi trắc nghiệm và hoàn thành một bài văn chưa từng được luyện tập trong khoảng thời gian 90 phút.

Chẳng hạn, trong đợt kiểm tra giữa kỳ môn ngữ văn lớp 7 vừa qua, học sinh phải viết cảm nhận về một nhân vật ngoài chương trình. Thầy và trò hớt hải ôn luyện, bởi tác phẩm cùng thể loại ngoài sách giáo khoa thì bạt ngàn. 

Giáo viên lâm vào tình trạng khó xử: “mớm” trước cho học sinh vài “địa chỉ”, “khoanh vùng” cho các em vài tác phẩm thì trái quy định; nhưng để cho học trò “tự bơi” giữa kho tàng văn học ngút ngàn thì điểm số thấp.

Áp lực việc học, ôn luyện, thi cử ngày càng đè nặng đôi vai học sinh như thế đó!

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img