Chiều 21/5, trong chương trình làm việc tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam – Nhật Bản.

Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên cơ sở chân thành, tình cảm, tin cậy, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, trên thế giới và vì lợi ích của nhân dân mỗi nước.

Theo đó, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Về đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 tiếp tục phát triển theo hướng cân bằng, đạt gần 50 tỷ USD và đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Chia sẻ về tình hình thế giới, Thủ tướng khái quát một số điểm: Lạm phát cao, tăng trưởng thấp; hậu quả COVID-9 còn kéo dài; khủng hoảng lương thực, năng lượng và một số mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn; biến đổi khí hậu diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

Thủ tướng cho biết sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng nhu cầu nhân lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, tỉ giá và lãi suất, giữa cung và cầu, giữa bên trong và bên ngoài.

Hiện lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp, Việt Nam đang ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tiến hành miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại nhóm nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển đất nước; đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu… Đồng thời, Việt Nam nỗ lực giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi

Ông Ishiguro Norihiko, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).

Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực  công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện…; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh. Đây là những ngành, lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng.

Trong khi đó, Lãnh đạo JETRO, tỉnh Hiroshima, các nghị sĩ Quốc hội và đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tham dự tọa đàm đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, đang phát triển nhanh với đội ngũ nhân lực dồi dào và có trình độ ngày càng được nâng cao, nhất là trong lĩnh vực phần mềm.

Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương của Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư; Việt Nam trở thành cơ sở quan trọng nhất của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Theo khảo sát của JETRO, 60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi

Đại diện các doanh nghiệp khẳng định sẽ tích cực đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trên cơ sở hai nước có nhiều điểm tương đồng, gần gũi về lịch sử  – văn hóa, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp, đại diện các doanh nghiệp trình bày các ý tưởng kinh doanh với cam kết thúc đẩy đầu tư trên các lĩnh vực sản xuất xe điện, công nghệ thông tin, logistics, bất động sản, ngân hàng, may mặc, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…

Đại diện các  doanh nghiệp đánh giá cao cam kết và quyết tâm của Chính phủ về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khẳng định sẽ tích cực đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng; nêu các đề xuất, kiến nghị liên quan tới cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cấp phép lao động, bảo đảm năng lượng.