Wednesday, April 17, 2024

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Có tiền nhưng chưa tiêu được

Sau hơn 1 tháng triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội vẫn chưa phát sinh dư nợ, nghĩa là chưa có đồng vốn nào được cho vay ra.

Từ đầu năm tới nay, đã có rất nhiều chính sách thúc đẩy phát triển xây dựng, tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Một trong những chính sách quan trọng là Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ ngày 1/4 năm nay.

Theo quy định, 120.000 tỷ đồng sẽ cho vay chủ đầu tư và người mua nhà dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, nhưng đến nay các Ngân hàng cho biết vẫn đang chờ danh mục dự án đủ điều kiện vay.

“Dự án được phê duyệt và các thủ tục pháp lý được hoàn thiện, trên cơ sở đó mới đem hồ sơ đến trình ngân hàng cho vay. Xin khẳng định bất kể lúc nào doanh nghiệp đến cũng có vốn để cho doanh nghiệp vay, vấn đề là doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay không. Tôi đặt vấn đề ngược lại là tiền thì có, tại sao không đầu tư được, đây là vấn đề vướng về cơ chế, cần giải pháp để tháo gỡ”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đánh giá.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Có tiền nhưng chưa tiêu được

Nhiều chủ đầu tư không mặn mà vì thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp. (Ảnh minh họa – Ảnh: NLĐ)

Nguồn cung khan hiếm. Nhiều chủ đầu tư không mặn mà vì thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp. Ngoài chấp nhận chủ trương, cấp phép, chủ đầu tư còn phải thẩm định giá bán, đối tượng mua và nhiều quy định khác.

“Có nhiều điều khoản ràng buộc và đưa ra những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được, không vay được vốn và sẽ không làm được vấn đề này. Nó liên quan đến phê duyệt tín dụng. Doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính, lãi, phải có vốn điều lệ bao nhiêu, đã từng làm những dự án nào và nhiều điều khoản khác”, ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, cho biết.

“Các tổ chức tín dụng đã hướng dẫn chi nhánh triển khai thực hiện. Vấn đề hiện nay phụ thuộc vào nguồn cung nhà ở xã hội, tức là danh mục các dự án mà Bộ Xây dựng và địa phương sẽ cung cấp. Thứ hai là khả năng hấp thụ của người dân, của người mua nhà, doanh nghiệp với gói này, vì mức lãi suất thể hiện nỗ lực của ngân hàng, nhưng vẫn còn tương đối cao”, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định.

Theo quy định hiện nay, chủ đầu tư đang được vay 8,7%/năm trong tối đa 5 năm và người mua nhà 8,2%/năm trong 3 năm.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img