Thursday, April 18, 2024

Phụ huynh góp phần biến trẻ thành những ‘cỗ máy học’?

Không ít phụ huynh biến trẻ thành những ‘cỗ máy học’, không cho con em mình được tận hưởng một mùa hè đúng nghĩa.

Trong bức tâm thư về việc học trên Báo Thanh Niên hôm 21.5, Phạm Thanh Thư, học sinh lớp 11 Trường THPT Bảo Lộc (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), viết: “Hè về rồi đó, em mong được học bơi, đọc sách, xem phim, rèn kỹ năng sống, chuẩn bị khởi nghiệp…”.

“Xin đừng vội đưa chúng em đến các lớp học thêm… 24/7, để một ngày nào đó, người lớn và trẻ con bây giờ tiếc nuối ai chở mùa hè của tôi đi đâu… Hãy để chúng em đi bằng đôi chân, trái tim và cách thiết kế của riêng mình”, Thanh Thư chia sẻ trong bức tâm thư của mình.

Mong ước của học sinh lớp 11 là nỗi lòng chính đáng của biết bao đứa trẻ đang tuổi đến trường. Bức thư nêu mong ước “học không phải để thi” khiến tôi cũng những các phụ huynh khác phải trăn trở.

Phụ huynh góp phần biến trẻ thành những

Cha mẹ đừng nên vì thành tích học tập hoặc đặt kỳ vọng quá cao để rồi biến con em mình thành “cỗ máy học”

Trẻ phải học thêm để cha mẹ hài lòng

Trong lúc chờ đợi đón con bên ngoài cổng trường tiểu học, nhìn qua tường rào, tôi thấy những khuôn mặt rạng rỡ của học sinh trong bộ đồng phục thể dục đang say sưa đánh cầu lông, đá cầu, nhảy dây. Tuổi thơ của trẻ cần lắm những phút giây hoạt động thể chất ngoài trời, kết nối cùng bạn bè.

Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, khi tiếng kẻng báo hiệu giờ tan trường vừa vang lên, phụ huynh nườm nượp ùa vào đón con thì áp lực học hành lại phủ bóng đôi vai trẻ. Một ngày dài miệt mài ở trường với những môn học nối dài dường như chưa đủ. Trẻ phải đến lớp học thêm sau giờ học. Trẻ phải luyện thêm toán, viết thêm văn, nói thêm tiếng Anh và mài dũa hàng loạt năng khiếu hội họa, âm nhạc, cờ vua… mới làm hài lòng cha mẹ.

Nhiều bạn nhỏ muốn nấn ná nơi sân trường thêm ít phút, nói với bạn nốt câu chuyện, bày trò “cá sấu lên bờ”, “em bé tập đi” đều không được chấp nhận. Lời hối thúc con nhanh chóng rời trường đến lớp học thêm vang lên inh ỏi. 

Ổ bánh mì, hộp xôi chiều, cái bánh nướng ăn vội để kịp giờ vào lớp hối thúc bên tai. Cặp lớn đổi cặp nhỏ để học thêm. Bộ đồng phục chưa kịp thay đã lấp ló nơi cửa lớp “tăng hai”… 

Có bao giờ chúng ta dừng lại để soi vào mắt trẻ và nhận ra ánh mắt mệt mỏi bởi tuổi thơ chỉ có học, học và học chưa? Có bao giờ chúng ta hỏi một cách chân thành và tin yêu rằng “Con có thích học môn này không”? Có bao giờ chúng ta giữ đúng lời đã hứa rằng thi xong đợt này con sẽ được xả hơi?….

Hay chúng ta cứ mải mướt chạy việc, loay hoay kiếm thêm thu nhập để đóng tiền học thêm, mặc kệ con cái mệt rã rời vì học suốt? Hay ta lao xao nghe ngóng nơi này có thầy giỏi, nơi kia có cô dạy trúng đề để dò dẫm địa chỉ, lân la làm quen và năn nỉ ỉ ôi xin cho con vào lớp? Hay ta cổ động trẻ ôn luyện đạt thành tích cao bằng lời hứa hẹn đầu môi rồi đâu lại vào đó, vòng xoay học hành, thi cử, điểm số, thành tích cứ quay như chong chóng cuốn tuổi thơ của trẻ đi không trở lại?

Phụ huynh góp phần biến trẻ thành những

Phụ huynh nên cho con em mình có thời gian tận hưởng một mùa hè đúng nghĩa

Phải học thêm cho bằng bạn, bằng bè

Áp lực học tập vẫn luôn đeo mang trên vai trẻ suốt năm dài tháng rộng. Ngay từ lúc bé tung tăng đến mẫu giáo đã bắt đầu nhen nhóm niềm hy vọng của mẹ cha về hát hay, múa giỏi, nói ngoại ngữ như gió. 

Năm cuối lớp mầm non, nhiều đứa trẻ đã vội rời trường đến lớp học chữ trước khi vào lớp 1 cho bằng bạn, bằng bè. Rồi hành trình bập bẹ làm quen việc học bắt đầu gánh vác kỳ vọng: học hành phải giỏi, thi thố phải có giải, cuối năm phải có thành tích xuất sắc…

Kỳ vọng của bậc sinh thành đặt trọn vào núm ruột yêu thương rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, với thực tế học hành hiện tại của trẻ, dường như kỳ vọng của mẹ cha cứ bị đẩy lên cao, nấc thang thành tích này nối dài nấc thang thành tích khác. Do đó, trẻ vô tình bị biến thành những “cỗ máy học”.

Nhiều bố mẹ cứ đổ lỗi cho ngành giáo dục và nhà trường gây áp lực thành tích khiến trẻ mất tuổi thơ. Tuy nhiên, chính phụ huynh chứ không phải ai khác đang đẩy con thuyền học trường, học trung tâm, học kèm xuôi dòng chảy.

Tôi xin nêu 4 câu hỏi để phụ huynh suy ngẫm:

  • Bao nhiêu người “bình chân như vại” cho con thong dong chơi đùa trước cơn lốc học thêm ào ạt ngoài kia? 
  •  Bao nhiêu người can đảm xác định với con rằng “học trường nào cũng như nhau, quan trọng là thực lực của chúng ta!”? 
  •  Bao nhiêu người sẵn lòng chấp nhận điểm số thấp của con như một lẽ thường thay vì chất vấn “sao chỉ 9 điểm mà chẳng được 10”? 
  •  Bao nhiêu người dũng cảm để mặc con chọn trường, chọn ngành bởi đó là đam mê và khát vọng của trẻ thay vì can thiệp sâu sát vào tương lai con trẻ?  

 Bức tâm thư xin trả lại những ngày hè đúng nghĩa cho trẻ đã chạm vào trái tim của nhiều người. Tuy nhiên, điều đó lay động được lý trí của phụ huynh hay chưa thì chắc hẳn còn một khoảng trống quá lớn… 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img