Friday, April 19, 2024

Gần 47 triệu đồng cho lễ ra trường của một lớp 5, nên không?

Tôi ‘choáng’ khi đọc dự kiến kinh phí cho lễ ra trường của một lớp 5 tại một trường tiểu học (tại TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) là 46.140.000 đồng.

Trong đó, thu trung bình một học sinh là 400.000 đồng, số còn thiếu, ban tổ chức sẽ vận động phụ huynh trong lớp tài trợ để tổ chức lễ ra trường.

Hàng loạt khoản thu cho lễ ra trường của một lớp 5

Trong tờ thông báo, từng khoản dự chi được nêu cụ thể, như chi cho thầy cô (gồm cô hiệu trưởng, cô chủ nhiệm, cô dạy bộ môn, cô hiệu phó…) là 14,3 triệu đồng; tiền ăn cho 40 học sinh là 10,8 triệu đồng, tiền ăn cho 55 phụ huynh của lớp và giáo viên là 14.040.000 đồng… Số kinh phí này gấp 20 lần của trợ cấp bảo hiểm xã hội mức thấp của một người (tạm tính 2,5 triệu đồng/người). 

Gần 47 triệu đồng cho lễ ra trường của một lớp 5, nên không?
 

Đây mới chỉ là lễ ra trường của một lớp. Nếu lễ ra trường được tổ chức cho toàn bộ khối 5, “quy mô dự chi” có thể gấp nhiều lần con số 46.140.000 đồng?

Ý nghĩa của buổi lễ ra trường

Lễ ra trường được tổ chức để tạo điều kiện cho học sinh tiểu học được nói với thầy cô, ba mẹ cảm xúc trong sáng, hồn nhiên, tươi vui.

Đây cũng là dịp để học sinh trong lớp ngồi lại bên nhau, ôn lại những kỷ niệm trong vắt ngày đầu tiên đi học và giờ phải gửi lời chào lớp 5. 

Bên cạnh đó, lễ ra trường giúp học sinh biết tri ân thầy cô, ba mẹ để chuẩn bị bước vào ngôi trường THCS. 

Thầy cô và phụ huynh – những người tổ chức lễ ra trường – có cơ hội khen ngợi những học sinh có nhiều tiến bộ trong học tập, nhìn lại hành trình giáo dục các em trong những năm qua.

Gần 47 triệu đồng cho lễ ra trường của một lớp 5, nên không?

Lễ ra trường là dịp để học sinh tiểu học ngồi lại bên nhau, ôn lại những kỷ niệm trước khi bước vào trường THCS

Thiết nghĩ, chỉ cần làm tốt những nội dung kể trên là đủ để có một buổi lễ ra trường đầy ý nghĩa, mang lại nhiều cảm xúc cho học sinh, thầy cô và phụ huynh.

Lễ ra trường cho học sinh lớp 5 và các khối lớp khác ở bậc THCS, THPT cũng cần được tổ chức phù hợp với lứa tuổi trắng trong, năng động, giàu ước mơ, hoài bão. 

Hoạt động này có thể được xem là một trải nghiệm mang tính giáo dục cao, để lại trong các em “dấu xưa” sâu sắc, đong đầy tình cảm tuổi học trò, và tất nhiên, hướng tới chân, thiện, mỹ. Đó là hành trang không thể thiếu giúp các em bước tới, bước chắc, bước nhanh ở môi trường học tập mới sau này. 

Còn thầy cô trong lễ ra trường, ai cũng xúc động trước tình cảm chân thành của học trò. Yêu thương trò hơn để tiếp tục nghiệp “gõ đầu trẻ” bằng tất cả năng lực, trách nhiệm, tâm huyết. 

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS, THPT cần sâu sát mọi việc ở trường nói chung, đặc biệt là dịp tổ chức lễ ra trường cuối năm học (lễ tri ân trưởng thành). Cần lắm ở đây, tấm lòng của lãnh đạo các trường; sự thấu hiểu, hợp tác, yêu thương, để thêm một lần, dịp ra trường của học sinh lung linh, thanh cao, sôi nổi và ấm áp tình cảm, thầy cô-học trò-phụ huynh.

Như vậy, vì sao chúng ta lại nặng nề chuyện ăn uống, quà cáp cho thầy cô, và điệp khúc “thu tiền trường”? Người lớn không nên chủ quan “trẻ con mà”. Nỗ lực dạy dỗ với mong ước con em chúng ta trở thành người ngay ngắn nhưng lễ ra trường lại được tổ chức một cách thực dụng như thế này, liệu có nên không?

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img