Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng đã ví von như vậy để nói về mối liên kết, hợp tác thiếu chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp phụ trợ trong nước. Hiện, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đã đặt nhà máy sản xuất, thiết lập chuỗi cung ứng nhưng số lượng doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của đối tác không nhiều. Thực tế này cho thấy chênh lệch giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là rất lớn.

Vì sao doanh nghiệp FDI khó tìm được “ý trung nhân” tại Việt Nam?

Doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn FDI chưa nhiều (ảnh minh hoạ)

Doanh nghiệp FDI giống như những chàng hoàng tử đến Việt Nam để tìm “ý trung nhân” – ông Phan Hữu Thắng nói. Nhưng, “ý trung nhân” ở trong nước lại èo uột, thiếu sức sống, thiếu kỹ năng nên hai bên chưa có sự hoà hợp để kết nối với nhau.

Những rào cản khiến doanh nghiệp phụ trợ trong nước chưa trở thành những nhà cung cấp (vendor) cấp 1, cấp 2 của nhiều chuỗi cung ứng là khoảng cách về trình độ, công nghệ khiến các doanh nghiệp FDI chưa thể “đặt hàng” doanh nghiệp trong nước sản xuất, cung cấp linh phụ kiện để phục vụ dây chuyền sản xuất.

PGS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ thêm: những yêu cầu, tiêu chuẩn các doanh nghiệp FDI đặt ra khi liên kết với doanh nghiệp trong nước là rất cao. Như tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chẳng hạn, có 18 tiêu chí tập đoàn đưa ra, kể cả về kinh tế, xã hội, môi trường, trách nhiệm cộng đồng… cho doanh nghiệp trong nước nếu muốn trở thành vendor cấp 1 của Samsung.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thuý Hương cho biết thêm, để trở thành vendor của tập đoàn điện tử nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng quy định về tiến độ và chất lượng sản phẩm rất khắt khe, thậm chí có doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng trở thành vendor nhưng vẫn tiếp tục đánh giá 2- 3 năm.

Khi trở thành vendor, doanh nghiệp đầu chuỗi kiểm tra đánh giá định kỳ hoặc bất chợt, thậm chí họ có thể đi hiện trường hàng ngày, đưa ra yêu cầu khắt khe để tối ưu hoá quy trình hàng ngày. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thuý Hương nhìn nhận: đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt trưởng thành hơn, thuận lợi cho việc chuyển giao quy trình sản xuất, công nghệ…

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong nước trưởng thành và tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài không nhiều. Với 98% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về trình độ, năng lực và khả năng cạnh tranh, chưa thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp FDI.

Thiếu liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong nước, yêu cầu lan toả FDI chưa thực chất và chưa đáp ứng được. Các vendor cấp 1, cấp 2 của chuỗi cung ứng là doanh nghiệp FDI. Theo thống kê tỷ lệ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chiếm tới khoảng 80% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Vì sao doanh nghiệp FDI khó tìm được “ý trung nhân” tại Việt Nam?

Với sự đồng hành hỗ trợ của Samsung, đến nay có hơn 250 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp lớp 1, lớp 2 của Samsung

Ngoài ra, liên kết “lỏng lẻo” giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn thể hiện qua tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn thấp. Cụ thể, với ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 15% và 5%.

Để tăng tỷ lệ doanh nghiệp phụ trợ tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI, đáp ứng yêu cầu lan toả FDI, cần tạo cơ chế và nhân rộng mô hình liên kết thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên mọi quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… như cách tập đoàn Samsung thực hiện thành công trong những năm qua.

Ngoài ra, cần có cơ chế thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, kéo gần khoảng cách với doanh nghiệp nước ngoài. Muốn làm được như vậy, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành là rất cần thiết. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị hiện đại, đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, kinh tế xanh thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… theo hướng tiệm cận tiêu chuẩn của các tập đoàn FDI.