Thursday, April 25, 2024

Cảnh giác với bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan

Đây là bệnh diễn ra khá phổ biến ở miền Trung – Tây Nguyên, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, những nơi điều kiện vệ sinh chưa được chú ý.

Cảnh giác với bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan

 

Đã điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên gần 3 tuần, nhưng ông P.B.H. (sinh năm 1971, ở thôn 7, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) vẫn không thể tin mình bị bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan.

Ông H. cho biết, khi ở nhà, nhiều ngày liền ông thấy mỏi tay chân, ăn uống kém, bụng chướng hơi và đau âm ỉ. Ông đến bệnh viện khám bệnh, ban đầu được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa và chỉ định nhập viện điều trị tại Khoa Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, mặc dù đã dùng thuốc nhưng các triệu chứng vẫn kéo dài và kèm theo sốt cao liên tục, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và cho ông làm các xét nghiệm.

Từ kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan và chuyển xuống điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.

“Điều trị đến hiện tại tôi đã cắt sốt, bụng cũng không còn đau, nhưng cơ thể thì vẫn mệt mỏi không có sức, ăn uống không ngon miệng. Nghe bác sĩ nói nguyên nhân của bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan có thể là do thói quen ăn uống sinh hoạt hằng ngày, tôi rất bất ngờ”, ông H. chia sẻ.

Cũng như ông H., chị H.N. (sinh năm 1995, ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) nhập viện điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sau khoảng 2 tuần sốt, đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân. Qua thăm khám và xét nghiệm, chị A. được chẩn đoán bị sốc nhiễm trùng, hạ Kali huyết/tăng huyết áp/tăng đường huyết/viêm màng não do ký sinh trùng.

Theo chia sẻ của chị A., là người phụ trách công việc bếp núc trong gia đình nên chị khá kỹ lưỡng trong việc lựa chọn thực phẩm tươi sống và chế biến thức ăn. Tiêu chí ăn uống của gia đình luôn là ăn chín, uống sôi. Tuy nhiên, sau khi nhiễm bệnh do ký sinh trùng, chị A. nghi ngờ việc sử dụng thức ăn, thực phẩm chế biến sẵn tại hàng, quán như việc ăn sáng, ăn tiệc không bảo đảm.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, căn nguyên của bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toán là do ký sinh trùng lây qua đường ăn uống. Đây là bệnh diễn ra khá phổ biến ở miền Trung – Tây Nguyên, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, những nơi điều kiện vệ sinh chưa được chú ý.

Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận khoảng 6-7 trường hợp mắc bệnh, riêng những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận 4 trường hợp. Đối với bệnh này không xảy ra các trường hợp cấp tính mà chủ yếu là mạn tính. Bệnh nhân ăn thức ăn có nhiễm ký sinh trùng trong thời gian dài, ký sinh trùng xâm nhập vào máu và định cư ở màng não gây ra biến đổi dịch não tủy, đặc biệt là tăng bạch cầu ái toan quá mức (trên 10%).

Biểu hiện lâm sàng chính của bệnh là đau đầu kéo dài, có thể có sốt, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, có hội chứng màng não, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh nặng nề. Quá trình điều trị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan kéo dài từ 2-3 tuần, thậm chí lâu hơn và có thể tái phát. Do đó ảnh hưởng rất lớn đến sức sống, sức lao động của người bệnh và ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình người bệnh do thời gian điều trị kéo dài, tốn kém.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm khuyến cáo, bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan không có vaccine phòng bệnh, nhưng có thể dự phòng bằng cách cải thiện vệ sinh ăn uống. Do đó, người dân cần nấu chín kỹ các thức ăn có khả năng mang mầm bệnh như ốc sên, tôm, cua, ếch và các loại rau mọc ở nơi có ốc sên và chuột… Đồng thời, khi có các biểu hiện bất thường như mệt mỏi, đau đầu kéo dài, buồn nôn, suy nhược cơ thể, người dân nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img