Theo các diễn giả, để người dân ở khu vực nông thôn, miền núi có thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính số, điều quan trọng là cần cho họ làm quen từng bước.
Theo ngân hàng nhà nước, độ phủ thông tin tín dụng, nghĩa là số lượng người tiếp cận được các thông tin tín dụng, hiện chiếm 72% trên tổng dân số trưởng thành, cao hơn nhiều so với mức gần 60% của năm 2020. Tuy nhiên, việc phổ cập các dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Việc thúc đẩy tài chính số sẽ là giải pháp quan trọng. Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Tăng cường tài chính số – Thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam” diễn ra mới đây.
Để người dân ở khu vực nông thôn, miền núi có thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính số, theo các diễn giả, điều quan trọng là cần cho họ làm quen từng bước. Như với Ngân hàng Chính sách xã hội, ban đầu là nhắn tin số dư nợ, sau đó mới phát triển ứng dụng quản lý tín dụng và tới ngân hàng số để thay thế dần cho hệ thống biên lai kiểu cũ.
Việc phổ cập các dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa – Ảnh: TTXVN)
“Đối với vùng sâu, vùng xa, việc lưu giữ và nhớ được thông tin trên biên lai rất khó. Khi triển khai app tín dụng chính sách trên điện thoại di động, họ có thể nắm bắt được thông tin tài chính mà họ đang có quan hệ với ngân hàng, lãi phải trả trong kỳ tới, tiết kiệm đóng góp bao nhiêu thì hết sức minh bạch và thuận tiện”, ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, cho biết.
“Người dân ở thành phố rất dễ tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, nhưng ở nông thôn họ có ít cơ hội hơn. Có thể bắt đầu cho họ từ những món vay nhỏ, phù hợp với khả năng chi trả của người dân hàng tháng, nó chính thống và an toàn”, ông Michael Digregorio, Trưởng Đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, nhận định.
Các tổ chức quốc tế cũng nhấn mạnh tới lợi ích khi người dân tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thống, sẽ giúp thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, góp phần giảm nghèo bền vững. Quan trọng là các hình thức phải đơn giản, thuận tiện.
Tính đến hết tháng 4 năm nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 300.000 tỷ đồng, với hơn 6,6 triệu khách hàng đang còn dư nợ.
Nguồn: vtv.vn