Trải qua gần 150 năm với nhiều biến cố lịch sử, khu trại giam tại Bệnh viện Chợ Quán (cũ), nơi giam cầm nhiều chí sĩ cách mạng yêu nước, nơi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản VN bị giam giữ và hy sinh, là một di tích quý của Sài Gòn – TP.HCM.
Sáng 26.5, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) đã diễn ra hội thảo khoa học Tầm quan trọng, giá trị lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản VN bị giam giữ và hy sinh. Hội thảo do UBND TP.HCM, UBND Q.5, TP.HCM phối hợp cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bảo tàng TP.HCM thực hiện.
Đến dự hội thảo có ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cùng nhiều lãnh đạo ban ngành, các nhà nghiên cứu…
Nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng vì nước quên thân
Sau khi đánh chiếm thành Gia Định năm 1859, với ý đồ thiết lập một trạm cứu thương nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận thương binh trong chiến dịch đánh đại đồn Kỳ Hòa tiến tới xâm chiếm toàn bộ Nam kỳ, năm 1860 quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm khu đất rộng hơn 5 ha tại ngôi làng Chợ Quán nằm giữa Sài Gòn – Chợ Lớn, phía trước có con kênh chảy qua, nay gọi là kênh Tàu Hủ, để xây Bệnh viện Chợ Quán (Hôpital de Cho Quan).
Theo nghiên cứu của TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Quán có khu trại giam – từng mang tên Khu bịnh nhân cải huấn – là nơi điều trị những người tù bị bệnh bao gồm cả thường phạm và tù chính trị.
Ngày 26.8.1931, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản VN Trần Phú sau khi bị bắt, tra tấn, lâm trọng bệnh được đưa về khu trại giam này. Đến ngày 6.9.1931, Trần Phú hy sinh ở tuổi 27 sau khi để lại lời nhắn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Dù đến nay chưa có tư liệu xác định chính xác ngày hình thành trại giam nhưng theo nhận định của ông Lê Mạnh Hùng thì có thể khu trại giam được xây và hoạt động từ khoảng năm 1874 – 1875.
Khu trại giam gắn với lịch sử Bệnh viện Chợ Quán – bệnh viện Tây y sớm nhất VN. Các di tích trong khu di tích (phòng giam thường, phòng giam chính trị, phòng giam đặc biệt…) được giữ lại gần như nguyên vẹn. Ngoài Trần Phú, khu trại giam còn là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ như Trần Não, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trỗi…
Ban tổ chức hội thảo đã chiếu một đoạn phim kể về hai nhân chứng lịch sử: bà Lê Thị Hiền (87 tuổi) và Phùng Ngọc Anh (83 tuổi) từng gặp nhau trong khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán khoảng tháng 1.1968. Bà Hiền kể bị đánh dã man đến nỗi không thể tự mặc áo quần, máu từ trên đầu chảy tuôn ướt áo.
Bà Phùng Ngọc Anh cũng tương tự. Bà bị giam ở Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, bị tra tấn đến chết đi sống lại. Chưa khai thác được gì ở bà, nên cảnh sát buộc phải đưa bà vô khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán để chữa trị. Mùng 2 tết Mậu Thân, cảnh sát Sài Gòn đưa bà cùng với hai chiến sĩ cách mạng khác là Trần Văn Kiểu và Lê Thị Riêng đi thủ tiêu bí mật. Hai người hy sinh tại chỗ. Riêng bà Phùng Ngọc Anh được Lê Thị Riêng che chắn nên dù bị thương nặng vẫn sống sót và một lần nữa được bác sĩ can thiệp để đưa vào Bệnh viện Chợ Quán.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Do di tích ngày càng xuống cấp theo thời gian, ngày 18.4.2023, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết “Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới”. Dự án sẽ hoàn thành vào ngày 1.5.2024, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú.
Theo Th.S Nguyễn Thị Hà, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), khu trại giam nói riêng và Nhà thương Chợ Quán nói chung đã trở thành ký ức của người dân Sài Gòn – Gia Định, là một di tích độc đáo gần như “độc nhất, vô nhị” trên thế giới khi một nhà tù nằm trong lòng một bệnh viện. Bà Hà lưu ý cần tôn tạo đúng kỹ thuật, không sử dụng vật liệu mới khi trùng tu hệ thống mái, nền, tường…
Bà kiến nghị tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok để tạo sự lan tỏa đặc biệt nhất là với thế hệ trẻ. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân TP.HCM và rộng hơn là cả nước, cũng như bạn bè quốc tế về khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán.
Trong khi đó, TS Huỳnh Bá Lộc, Trường ĐH Văn Lang, cho rằng qua bao biến thiên của lịch sử, ngay cả Nhà thương Chợ Quán xưa nay đã bao lần xây dựng lại nhưng khu trại giam vẫn còn – đó là điều quý giá cần gìn giữ. “Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, di sản đã cho thấy rằng những nỗ lực gìn giữ hay phát huy di tích, di sản chỉ thực sự mang lại ý nghĩa thực tế khi nó có khả năng tác động và tạo ra ý thức tự thân của người dân về giá trị của di tích, di sản”, ông Lộc nhận định.
Ông Lộc đề xuất cần tạo ra những giải pháp có tính thương mại. Cụ thể hơn, các di tích, di sản phải trở thành một điểm đến của du lịch. Tạo thêm điều kiện để người dân, du khách biết và đến tham quan di tích.
Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ VH-TT công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào ngày 16.11.1988.
Ngày mở cửa nhận bệnh của Bệnh viện Chợ Quán (tiền thân của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) là ngày 13.2.1861. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã được xác lập kỷ lục bệnh viện lâu đời nhất VN do Tổ chức Kỷ lục VN (Vietkings), đơn vị trực thuộc T.Ư Hội Kỷ lục gia VN công nhận.
Nguồn: thanhnien.vn