Sản phẩm này được kỳ vọng thay thế những chiếc cốc giấy tráng PE, hiện đang được sử dụng phổ biến ở các quán cà phê, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.
Công ty Good-Edi của Australia mới đây đã tung ra thị trường 1 loại cốc đựng đồ uống làm bằng các nguyên liệu thực phẩm. Loại cốc này không những ăn được mà còn có thể tự phân hủy sau 2 – 6 tuần. .
Chiếc cốc có thể ăn được này có màu vàng và hình dạng giống như những chiếc cốc giấy tráng PE, hiện đang được sử dụng phổ biến ở các quán cà phê. Tuy nhiên, nguyên liệu làm ra chiếc cốc này hoàn toàn là thực phẩm bằng cách sử dụng hỗn hợp bột lúa mạch đen, cám lúa mì, cám yến mạch, đường, muối, dầu dừa và nước. Mặc dù vậy, chiếc cốc vẫn đủ cứng để có thể chứa được một tách cà phê nóng trong khoảng 40 phút và sẽ không bị rò rỉ đồ uống nguội trong khoảng 8 giờ.
Theo bà Catherine Hutchins, người đồng sáng lập công ty Good-Edi, mục đích chính của công ty là giúp đảm bảo tính bền vững, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn so với các loại cốc giấy tráng nhựa, ngay cả khi khách hàng của họ không ăn những chiếc cốc mới này.
“Mỗi ngày có hàng trăm nghìn tấn rác được thải bỏ ra môi trường trong đó có các loại cốc dùng 1 lần. Riêng tại Australia, số cốc dùng 1 lần bị thải bỏ ra môi trường đã lên đến 1 tỷ cốc/năm. Đáng buồn là các loại cốc này lại kết thúc vòng đời ở những bãi chôn lấp, nên công ty đã quyết định phải làm ra 1 sản phẩm có thể ăn được, nếu khách hàng không thưởng thức nó có thể tự phân hủy sau 1 thời gian”, bà Catherine Hutchins cho biết.
Hiện sản phẩm đã nhận được phản hồi tốt của khách hàng. Nhiều người dùng cho biết, chiếc cốc của công ty Good-Edi có vị bánh quy lúa mì không đường. Họ thích hương vị đặc biệt của cà phê khi dùng với chiếc cốc này.
“Thật thú vị khi được sử dụng chiếc cốc đặc biệt này và tôi thích hương vị của nó. Khi bạn dùng sản phẩm này bạn có cảm tưởng như đó là chiếc bánh và sau khi thưởng thức xong cốc cà phê nóng, bạn có thể ăn luôn chiếc bánh”, Keira weight – một khách hàng cảm nhận.
Công ty Good-Edi cho biết, bên cạnh vị lúa mỳ, trong thời gian tới công ty sẽ cung cấp thêm các loại cốc phủ sô cô la và nhiều hương vị khác để khách hàng lựa chọn. Good-Edi không phải là công ty khởi nghiệp duy nhất sản xuất cốc ăn được. Một công ty khởi nghiệp ở Latvia cũng đang cung cấp các loại cốc có hương vị khác nhau có thể ăn được cùng những chiếc thìa làm từ sợi yến mạch, vỏ ca cao và ống hút làm từ mì ống. Trong khi đó, công ty Cupffee có trụ sở tại Bulgaria đã sản xuất hàng loạt cốc ăn được để đựng cà phê hoặc trà vào năm 2018.
Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) ước tính, thế giới sử dụng hơn 250 tỷ cốc giấy tráng nhựa mỗi năm và chỉ 1% trong số đó được tái chế. Riêng tại Australia mỗi ngày có khoảng 2,7 triệu chiếc cốc dùng một lần được vận chuyển đến các bãi rác. Việc cho ra đời những sản phẩm cốc và đồ đựng sản phẩm có thể ăn được và tự phân hủy được cho sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải./.
Nguồn: vov.vn