Người tiêu dùng Việt Nam đang điều chỉnh thói quen chi tiêu, các doanh nghiệp cần theo dõi các xu hướng và kịp thời thích ứng để duy trì tính cạnh tranh.
Khảo sát Thói quen tiêu dùng tại Việt Nam do PwC Việt Nam thực hiện cho thấy, trong khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng trên toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam đang điều chỉnh thói quen chi tiêu một cách đáng kể. Ông Johnathan Ooi – Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo Dịch vụ tư vấn thương vụ, PwC Việt Nam nhận định: Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức và xã hội đang phải thích nghi với trạng thái bình thường mới. Thói quen chi tiêu của người tiêu dùng dần thay đổi theo xu hướng cắt giảm chi tiêu, kết hợp mua sắm trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín.
Cụ thể, khảo sát của PwC cho thấy, 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (69%). Trong đó, 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%) và điện tử (38%).
Cùng với đó, xu hướng mua sắm mới xuất hiện: kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Theo khảo sát, 64% người tiêu dùng dự kiến mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn và mong đợi có trải nghiệm mua sắm đa kênh nhiều hơn: giao hàng, lấy hàng và click-and-collect (đặt hàng trực tuyến và đến cửa hàng để lấy mặt hàng đó).
Bên cạnh xu hướng trên, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm bền vững. Thậm chí, dù đang lên kế hoạch giảm chi tiêu và nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng có đến 96% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết sẵn lòng trả thêm tiền cho các sản phẩm bền vững hoặc các sản phẩm từ các công ty có uy tín và đạo đức kinh doanh.
Từ những thay đổi trên, ông Johnathan Ooi cho rằng, các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng và kịp thời thích ứng để duy trì tính cạnh tranh trong thị trường không ngừng thay đổi. Theo chuyên gia của PwC Việt Nam, có 6 ưu tiên các doanh nghiệp có thể cân nhắc để phục vụ khách hàng tốt hơn và đóng góp vào tương lai tiêu dùng bền vững.
Thứ nhất, chiến lược tạo khác biệt, tập trung phát triển danh mục sản phẩm và các tính năng phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Thứ hai, chú trọng các yếu tố ESG, tận dụng công nghệ trong việc thu thập, báo cáo và truyền thông về tính bền vững, đồng thời đề cao tính chân thật và minh bạch trong kinh doanh.
Thứ ba, tiếp cận khách hàng dựa trên dữ liệu về nhu cầu và hành vi tiêu dùng tại mỗi thời điểm khác nhau, phát triển các thông điệp bán hàng và ưu đãi có hiệu quả từ chiến lược tiếp thị dựa trên dữ liệu.
Thứ tư, đầu tư vào việc dự báo các kết quả và khả năng tác động trong bối cảnh biến động đa kênh để có thể sớm đưa ra các quyết định rõ ràng trong việc đổi mới, phân loại và thiết lập lộ trình tiếp cận thị trường dựa trên chiến lược tạo khác biệt.
Thứ năm, khuyến khích sự đổi mới dựa trên cơ sở xác định những kỹ năng cần thiết để mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Cuối cùng, chuyển đổi số để thấu hiểu nhu cầu khách hàng và quản lý hàng tồn kho nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, tăng cường khả năng phục hồi trước biến động; đón đầu các xu hướng và dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới bằng việc quản trị hệ thống dữ liệu hiệu quả.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn