Lưỡng viện quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật nâng mức trần nợ 31.400 tỉ USD của chính phủ, ngăn viễn cảnh vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nền kinh tế nước này.
Cụ thể, tối 1.6 (theo giờ Mỹ) với tỷ lệ 63-36, các thành viên Thượng viện đã chấp thuận đề xuất tăng trần nợ, vốn được Hạ viện thông qua vào một ngày trước đó. Với việc đạt được sự đồng thuận từ lưỡng viện, bước cuối cùng mà các nhà lập pháp cần làm là chuyển dự luật đến bàn Tổng thống Joe Biden để ông ký ban hành luật trước ngày 5.6, đài CNN đưa tin.
Theo dự luật mới, mức giới hạn theo luật định đối với khoản vay của chính phủ liên bang sẽ bị đình chỉ cho đến ngày 1.1.2025. Dự luật cũng sẽ hạn chế một số khoản chi tiêu của chính phủ Mỹ trong 2 năm tới, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, thu hồi các quỹ Covid-19 chưa sử dụng và mở rộng yêu cầu về công việc đối với các chương trình viện trợ lương thực cho những người nhận bổ sung.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo nước này đang cạn tiền mặt, và sẽ vỡ nợ nếu không thể thanh toán tất cả hóa đơn trong ngày 5.6, trừ khi quốc hội hành động.
Trong bài phát biểu tối 1.6, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết “nước Mỹ có thể thở phào nhẹ nhõm”. Trước đó, ông Schumer và ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện đã cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để đẩy nhanh tiến độ dự luật do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được sau nhiều vòng đàm phán.
Tổng thống Joe Biden vừa bình luận sau động thái của Thượng viện, gọi đây thỏa thuận chiến thắng lớn. Ông nói sẽ ký ban hành dự luật sớm nhất có thể, theo AFP.
Nguồn: thanhnien.vn