Quy trình thủ tục cấp phép khai thác vật liệu nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian là nguyên nhân khiến các dự án hạ tầng giao thông không có đất đắp nền, ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án.
Vướng thủ tục cấp phép…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, nếu chỉ tính trong 3 năm tới đây, riêng 8 dự án giao thông trọng điểm Quốc gia và của Đồng Nai thì nhu cầu vật liệu san lấp đã khoảng 21,53 triệu m3. Để có nguồn vật liệu cho các dự án Đồng Nai đã quy hoạch, khoanh định các khu vực khai thác khoáng sản vật liệu san lấp với tổng diện tích 517 ha. Tuy nhiên, do còn vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản nên cơn khát vật liệu đắp nền chưa thể hạ nhiệt, nhiều dự án giao thông vẫn khó đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân và nhiều nhà thầu vẫn “ngồi trên đống lửa”.
Ghi nhận của PV DĐDN tại Gói thầu Xây dựng đường giao thông, mương thoát nước và đảm bảo giao thông Đoạn 3 từ Km0+000 đến Km29+500 thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.763 từ huyện Xuân Lộc đến huyện Định Quán, tỉnh Đông Nai, cho thấy: mặc dù công trình trọng điểm, tiến độ gấp, khối lượng còn lại khá nhiều và cần phải thi công gấp để hoàn thành hợp đồng, đảm bảo tiến độ giải ngân cho địa phương, tuy nhiên do thiếu đất đắp nền đề hoàn thiện dự án khiến nhà thầu đứng ngồi không yên.
Theo ông Đỗ Văn Vạn – Giám đốc Công ty TNHH Bá Lộc, trong suốt 2 tháng qua ông phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm mua vật liệu đắp nền để thi công Gói thầu Xây dựng đường giao thông, mương thoát nước và đảm bảo giao thông Đoạn 3 từ Km0+000 đến Km29+500 thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.763 từ huyện Xuân Lộc đến huyện Định Quán. Tuy nhiên, mọi cố gắng của ông đều không đạt kết quả vì nguồn vật liệu san lấp quá khan hiếm dù ông chấp nhận mua với giá cao hơn. Sốt ruột vì huy động đội ngũ hùng hậu nhân công, thiết bị, máy móc nhưng lại không thể đẩy nhanh tiến độ thi công nền đường, trong khi thời hạn hợp đồng xây lắp công trình ngày một cạn dần, lương nhân công vẫn phải trả hàng ngày, còn máy móc bỏ phơi mưa, phơi nắng tại công trường, ông Vạn đã gửi văn bản tới UBND huyện Định Quán và tỉnh Đồng Nai với mong muốn nhận được trợ giúp nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả.
“Nghịch lý ở chỗ là tại địa phương trữ lượng vật liệu san nền không thiếu nhưng vướng thủ tục cấp phép khai khoáng và loạt công trình giao thông của cả Trung ương và địa phương đầu tư đều lâm cảnh thi công “dang dở”, trong khi áp lực tiến độ xây dựng, giải ngân rất lớn”, ông Vạn nói.
Dẫn chứng về những bất cập trong quy định, ông Vạn viện dẫn: theo Luật Khoáng sản thì đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, do vậy việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải tuân thủ theo quy định. Theo đó, Luật Khoáng sản quy định nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép thăm dò, quy trình thăm dò, thành phần hồ sơ cấp phép thăm dò khoáng sản, nội dung giấy phép thăm dò, trình tực thủ tục phê duyệt trữ lượng… chung cho tất cả các loại khoáng sản, chưa quy định riêng cho nhóm hoặc loại hình khoáng sản để tiện áp dụng.
“Thực tế các mỏ vật liệu san lấp thường có diện tích, trữ lượng nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, giá trị kinh tế thấp, trong khi thủ tục cấp phép khai thác theo quy định phức tạp, tốn kinh phí lớn nên các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp không hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Vạn cho biết thêm.
Liên quan đến những bất cập về thủ tục cấp mỏ khoáng sản (đất đắp nền), ông Nguyễn Ngọc Hưng – Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện Đồng Nai đã kiến nghị rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết về cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp sao cho đảm bảo việc đánh giá trữ lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường và an toàn trong quá trình khai thác trước đây đã được quy định tại Điều 63 Nghị định số 68/CP (ngày 1/11/1996) và Điều 63 Nghị định số 76/2000/NĐ-CP (ngày 15/12/2000).
Cho phép nhà thầu khai thác đất tại khu vực gò đồi…
Về các giải pháp cho các dự án đang triển khai ông Hưng cho biết, trước mắt, để có nguồn vật liệu cho các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án đang triển khai, Đồng Nai kiến nghị cho phép nhà thầu thi công được lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng khai thác đất tại các khu vực gò đồi không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thăm khoáng sản với thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP (ngày 29/11/2016). Các vị trí cho phép khai thác hạ độ cao phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến công trình công cộng, không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực…
Cao trình kết thúc khai thác chỉ cho phép bằng cao trình các thửa đất xung quanh đảm bảo sau khi khai thác không làm thay đổi mục đích sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhà thầu phải phối hợp đơn vị thi công khảo sát đo đạc bản đồ địa hình, khoan khống chế chiều dày tầng đất phún sỏi đỏ và lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng, tính toán trữ lượng để UBND tỉnh xác nhận trữ lượng làm cơ sở lập phương án khai thác, thiết kế mỏ và báo cáo đánh giá tác động môi trường và quyết định cho phép khai thác. Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cho phép, nhà thầu có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao đất về cho chủ sử dụng đất theo mục địch trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đáng chú ý, trước đó, làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã nêu những khó khăn tác động tới tiến độ tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó, đất san nền đang là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.
Theo ông Dũng, hiện trên địa bàn Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, đường Vành đai 3 – TP.HCM; Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành… Song, đối với 2 dự án dự kiến được khởi công xây dựng trong năm 2023 là đường Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, đường Vành đai 3 – TP.HCM, hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, cả 2 dự án cần khoảng 6 triệu m3 đất đắp nền và gần 2 triệu m3 cát. Tuy nhiên, việc chuẩn bị nguồn vật liệu để thi công các dự án này gặp khó khăn do quy trình thủ tục cấp phép khai thác vật liệu còn nhiều bất cập, phải thực hiện nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian. Riêng với dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, do số hộ dân cần tái định cư lớn với gần 2,5 ngàn hộ trong khi Đồng Nai chưa có sẵn các khu tái định cư nên việc bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Với 2 dự án này, UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN-MT sớm có hướng dẫn xử lý về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để địa phương có cơ sở triển khai các thủ tục khai thác các nguồn vật liệu cho dự án. Bộ GT-VT sớm thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự án thành phần 1, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 để cơ quan chức năng địa phương thực hiện các bước tiếp theo nhằm khởi công dự án đúng tiến độ.
Đối với dự án Sân bay Long Thành, UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội gia hạn thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có cấu phần xây dựng đến hết năm 2024. Cho phép bố trí tái định cư các hộ dân bị giải tỏa tại dự án 2 tuyến đường kết nối vào Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và cho phép bố trí tái định cư đối với các hộ dân thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vào khu tái định cư này. Đặc biệt, đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, hỗ trợ Đồng Nai tháo gỡ các vướng mắc về cấp phép khai thác các mỏ vật liệu phục vụ các dự án, ông Dũng đề nghị.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn