Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” dự kiến được TAND H.Long Thành (Đồng Nai) tuyên án vào ngày 5.6. Trong vụ án này, nhiều bị cáo vẫn liên tục kêu oan trước các cáo buộc.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, sau khi kiểm tra, xác minh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho bà Lê Thị Tho và bà Nguyễn Thị Loan (tổng diện tích hơn 2,5 ha, gồm 2 thửa số 11 và số 513, tờ bản đồ số 20), cơ quan chức năng phát hiện diện tích đất này có nguồn gốc đất công.
Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng, năm 2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án và khởi tố 7 bị can.
Các bị cáo cùng bị truy tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Trần Quốc Tuấn, cựu Chủ tịch UBND xã Bình Sơn; Nguyễn Văn Bế, cựu cán bộ địa chính xây dựng xã Bình Sơn; Nguyễn Quang Thảo, cựu tổ trưởng tổ đăng ký thống kê Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) chi nhánh Long Thành; Nguyễn Hoàng Nghĩa, cựu Trưởng phòng TN-MT H.Long Thành; Bùi Văn Hồng, cựu cán bộ đo đạc VPĐKĐĐ tỉnh Đồng Nai chi nhánh H.Long Thành; Trần Quốc Đạt, cựu Phó giám đốc VPĐKĐĐ chi nhánh Long Thành và Dương Thị Duyên, cựu chuyên viên Phòng TN-MT H.Long Thành.
Các bị cáo bị cáo buộc thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra, xác nhận nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất; đo đạc thửa đất, kiểm tra, thẩm tra đề nghị hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ nên đã tham mưu UBND H.Long Thành ký cấp sổ đỏ trái quy định của pháp luật về đất đai. Hai thửa đất trên là đất công do UBND xã Bình Sơn quản lý. Hậu quả làm cho nhà nước bị mất quyền quản lý, sử dụng đối với 2 thửa đất trên có tổng trị giá hơn 18 tỉ đồng.
Sau khi có được sổ đỏ, bà Tho và bà Loan đã chuyển nhượng 2 mảnh đất trên. Khi vụ án được khởi tố, điều tra, người mua hai thửa đất trên từ bà Tho, bà Loan đã tự nguyện giao nộp sổ đỏ và trả lại quyền sử dụng đất cho nhà nước, không thắc mắc, khiếu nại hay đòi bồi thường.
Vì sao kêu oan ?
Tại phiên xét xử (diễn ra từ ngày 22 – 29.5), hầu hết các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội và liên tục kêu oan. Các bị cáo khai, bản thân đã làm đúng theo trách nhiệm của mình khi được cơ quan giao và thực hiện theo thủ tục văn bản hành chính được giao. Trong quá trình kiểm tra rà soát hồ sơ, các bị cáo thấy hồ sơ đầy đủ, không phát hiện sai phạm.
Tại phần tranh luận, các bị cáo là cựu cán bộ của VPĐKĐĐ và Phòng TN-MT H.Long Thành khai nhận, sau khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ từ UBND xã Bình Sơn, đã kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định của nhà nước và không phát hiện sai phạm trong hồ sơ.
Tuy nhiên, đại diện Viện KSND H.Long Thành cho rằng các bị cáo đã thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra, xác nhận nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất; đo đạc thửa đất, kiểm tra, thẩm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy CNQSDĐ… Vì vậy hồ sơ có nhiều sai sót nhưng không ai phát hiện và đã dẫn đến sai phạm về việc cấp giấy CNQSDĐ có nguồn gốc đất công cấp cho tư nhân.
Đồng thời, đại diện Viện KSND H.Long Thành đề nghị tòa tuyên bị cáo Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Bế mức án từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Quang Thảo bị đề nghị mức án từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù. Các bị cáo Bùi Văn Hồng, Trần Quốc Đạt, Nguyễn Hoàng Nghĩa, Dương Thị Duyên cùng mức án từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.
Biến động về 2 thửa đất không được cập nhật
Tham gia bào chữa tại phiên tòa, trưng ra ba cuốn sổ mục kê năm 1999, năm 2007 và năm 2011, luật sư Đinh Trọng Liên (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận định, từ năm 2011 đến nay, chưa có sổ mục kê nào thay thế và hiện tại H.Long Thành vẫn đang sử dụng sổ mục kê năm 2011 để làm tài liệu tra soát, đối chiếu với các tài liệu khác trong hồ sơ địa chính làm căn cứ xét cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Bình Sơn.
Theo Thông tư số 29/TT-BTNMT ngày 1.11.2004 của Bộ TN-MT, về nguyên tắc, sau khi giao đất cho Cụm công nghiệp Bình Sơn, bắt buộc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai phải theo dõi biến động đất đai trong hồ sơ địa chính. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã không thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình dẫn đến biến động về 2 thửa đất không được cập nhật.
Ngày 2.4.2013, UBND H.Long Thành ban hành quyết định số 1109/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) đối với xã Bình Sơn, xác định: Cụm công nghiệp có diện tích 57 ha, giảm 4,2 ha so với quyết định của tỉnh trước đó (năm 2004). Việc điều chỉnh giảm diện tích này là theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai tại văn bản số 6925/BC-UBND ngày 11.9.2012 và văn bản số 1990/SCT-KHTC ngày 5.11.2012 của Sở Công thương tỉnh Đồng Nai về việc giảm quy mô diện tích Cụm công nghiệp Bình Sơn.
Đáng lẽ sau khi có quyết định giảm 4,2 ha ra khỏi Cụm công nghiệp Bình Sơn, thì Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai phải có trách nhiệm theo dõi biến động trong hồ sơ địa chính, đồng thời giao lại phần đất giảm cho H.Long Thành và UBND xã Bình Sơn quản lý. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không thấy một văn bản nào bàn giao 4,2 ha trên cho UBND H.Long Thành và UBND xã Bình Sơn quản lý.
Trong khi đó, bản đồ địa chính đo đạc năm 2014 được cập nhật và chỉnh lý đến tháng 5.2017 thể hiện 2 thửa đất số 11 và số 513, thuộc tờ bản đồ số 20 nằm ngoài hàng rào của Cụm công nghiệp Bình Sơn và đều có ký hiệu là đất BHK (đất trồng cây hằng năm khác); đất trong Cụm công nghiệp Bình Sơn tiếp giáp với 2 thửa đất 11 và 513 được ký hiệu là SKC (đất chuyên dùng). Đặc biệt khi kiểm tra bản đồ quy hoạch của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cung cấp, thì thửa đất 11 và thửa 513 được quy hoạch là đất ở và mở đường.
Luật sư cho rằng, các viên chức thuộc VPĐKĐĐ chi nhánh Long Thành cũng như Phòng TN-MT căn cứ xác nhận của UBND xã Bình Sơn về nguồn gốc đất và dựa vào cơ sở về dữ liệu đất đai do Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cung cấp để đề xuất cấp sổ đỏ lần đầu đối với thửa đất số 11 và 513, tờ bản đồ số 20 cho người dân là có căn cứ. Do đó, việc quy kết các bị cáo thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như kết luận điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát, liệu có phù hợp với các quy định của pháp luật và bản chất của vụ án?
Nguồn: thanhnien.vn