Tăng kết nối giữa 2 vùng Tây Nguyên Đông Nam bộ

Cụ thể, mới đây, Văn phòng Chính phủ chính thức truyền đi thông báo số 3266/VPCP-CN của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương liên triển khai đầu tư các tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Theo đó, tuyến đường có điểm đầu tại TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) và đoạn đầu tuyến này đi trùng đường tỉnh ĐT753 khoảng 15km, đoạn cuối tuyến được nghiên cứu theo 2 hướng tuyến. Theo phương án này, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 76km, trong đó khoảng 31km đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển của Đồng Nai.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Bình Phước - Đồng Nai

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác khảo sát tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Đáng chú ý, liên quan đến tuyến đường này, trước đó, UBND tỉnh Bình Phước đã từng có đề xuất hướng tuyến đi qua cầu Mã Đà, sang địa phận tỉnh Đồng Nai, tiếp tục đi theo các tuyến đường địa phương và kết nối với đường Vành đai 4 TP. HCM tại TP. Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai).

Đặc biệt, tháng 4/2022, khi phương án này được đề xuất đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến phản biện khác nhau, trong đó có cả những ý kiến trái chiều. Trước sự việc trên, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có Văn bản số 3295-CV/TU gửi Ban cán sự Đảng Chính phủ phân tích tác động của tuyến kết nối Bình Phước – Đồng Nai xuyên qua rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn Thiên Nhiên – Văn hóa Đồng Nai.

Về quan điểm, Đồng Nai thống nhất chủ trương không hình thành tuyến đường theo phương án này, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, tính toán thận trọng để thống nhất lựa chọn phương án tối ưu và khả thi.

Về phía Bộ GTVT cũng nhận định, phương án trên tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học, không phù hợp quy định của Luật Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế… Theo đó, Bộ GTVT đề xuất phương án có hướng tuyến kết nối với đường Đồng Phú – Bình Dương mà tỉnh Bình Phước đang đầu tư xây dựng và đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương). Sau đó, tuyến liên kết Bình Phước – Đồng Nai tiếp tục hướng tuyến theo 15,5km xây dựng mới để kết nối với đường Vành đai 4 TP. HCM tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Và tuyến liên kết này sẽ có chiều dài khoảng 71km.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, phương án này là thuận tiện, chiều dài ngắn, kinh phí đầu tư thấp nhất, tận dụng được các tuyến đường địa phương đã và đang được đầu tư. Đặc biệt, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Theo nguồn tin của Diễn đàn Doanh nghiệp, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã có những hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước với nhiều lần kiểm tra thực địa, bàn về phương án đầu tư với sự tham gia của các Bộ, UNESCO. Sau đó, đề xuất hướng tuyến “không đi qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được nhiều Bộ, ngành, UNESCO và các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cơ bản thống nhất”. Do đó, theo đề xuất này, UBND các tỉnh cân đối nguồn vốn của địa phương và quyết định đầu tư các tuyến đường trên địa bàn. Ngoài ra, Bộ GTVT và các địa phương nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động để lựa chọn hướng tuyến chi tiết phương án cho kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Bình Phước - Đồng Nai

Tuyến đường có điểm đầu tại TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) và đoạn đầu tuyến này đi trùng đường tỉnh ĐT753 khoảng 15km, đoạn cuối tuyến được nghiên cứu theo 2 hướng tuyến.

… và tăng thêm kênh kết nối cảng biển…

Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp liên quan tới hạ tầng giao thông kết nối, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai là hết sức cần thiết và đúng thời điểm. Bởi, khi tuyến đường này hình thành, việc lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Bình Phước sẽ rất thuận tiện trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa vì có thêm kênh kết nối thông qua các cảng biển khu vực tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và sân bay Long Thành”.

Ông Võ Quang Thuận, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi, cho biết: Đặc thù hàng hoá của Bình Phước chủ yếu là cao su và điều. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến mủ cao su, mỗi tháng, doanh nghiệp cần vận chuyển hàng trăm container nguyên liệu và mủ cao su thành phẩm từ các huyện, tỉnh Bình Phước tới các cảng tại TP.HCM. Trong khi mấy năm gần đây, các tuyến vận tải đường bộ hiện hữu đã quá tải nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn và tốn kém chi phí hơn cho doanh nghiệp. Do đó, khi tuyến đường này hình thành, việc lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Phước nói riêng và các tỉnh lận cận nói chung sẽ rất thuận tiện, tăng kết nối giữa 2 vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Bình Phước - Đồng Nai

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Phương án tuyến liên kết Bình Phước – Đồng Nai kết nối vào Vành đai 4 TP.HCM là tối ưu.

Về phía địa phương, chia sẻ với phóng viên DĐDN, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Phương án tuyến liên kết Bình Phước – Đồng Nai kết nối vào Vành đai 4 TP.HCM là tối ưu. Tuyến vành đai này sẽ là động lực phát triển của toàn Vùng, do đó, Đồng Nai đang cố gắng triển khai nhanh để đảm bảo đúng kế hoạch được giao.

Cũng theo ông Dũng, việc sớm kết nối tuyến liên kết Bình Phước – Đồng Nai vào Vành đai 4 TP.HCM sẽ tạo sự liền mạch liên vùng rất tốt, nối thuận lợi Vùng Tây Nguyên, các tỉnh Bình Phước, Bình Dương với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Vì vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới tỉnh Đồng Nai sẽ tích cực phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương liên quan nhằm triển khai đầu tư tuyến liên kết Bình Phước – Đồng Nai theo đúng lộ trình.