Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 7.000-9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng tiếp nhận, thiết bị, phương tiện vận chuyển, phương pháp xử lý chất thải chưa đồng bộ nên hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn không cao.

Về việc phân loại rác tại nguồn, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các chương trình, dự án để triển khải tổ chức thực hiện nhằm giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý và tăng cường tái chế, tận dụng tài nguyên. Tuy nhiên việc phân loại rác tại nguồn chủ yếu vẫn là xây dựng mô hình, chưa triển khai diện rộng và trong thời gian dài.

Công nghệ nào phù hợp để Việt Nam giải quyết "vấn nạn" chất thải rắn sinh hoạt?

Hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam hiện nay không cao

Nói về phân loại rác trước khi đưa vào nhà máy, TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn T-Tech Việt Nam cho biết: “Hiện nay Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam đã đầu tư hai nhà máy tại tỉnh Nghệ An và chuẩn bị đầu tư nhà máy thứ ba tại tỉnh Phú Yên. Công tác phân loại rác đầu nguồn ở các địa phương hiện nay chưa được triển khai đáng kể, mới đang ở trạng thái thí điểm. Gần như các chất thải, rác sinh hoạt vào nhà máy chủ yếu là rác khổ lớn, lẫn lộn và chưa được phân loại”.

Đối với vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất compost tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, có khoảng 71% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý ở các nhà máy chế biến phân compost; khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

Là một doanh nghiệp tại tỉnh Nam Định, trăn trở về về công nghệ xử lý rác hiện nay, ông Triệu Đức Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường Nam Định chia sẻ: Về công nghệ đốt hiện nay chúng ta rất cần phải suy nghĩ. Hiện ở tỉnh Nam Định câu chuyện lựa chọn công nghệ đốt mất thời gian rất lâu. Hiện nay công nghệ như “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi một kiểu vì vậy rất khó để lựa chọn một giải pháp phù hợp, đảm bảo.

Với tư cách là một chuyên gia quốc tế đã làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, chuyên gia chất thải rắn Nhật Bản ông Hideki Wada, Giám đốc Công ty Vietnam Waste Planning gợi ý: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể hướng tới việc thay đổi công nghệ xử lý chất thải của mình bằng việc hướng tới các công nghệ tiên tiến ví dụ như công nghệ đốt thu hồi năng lượng”.

Công nghệ nào phù hợp để Việt Nam giải quyết "vấn nạn" chất thải rắn sinh hoạt?

Chuyên gia chất thải rắn Nhật Bản ông Hideki Wada, Giám đốc Công ty Vietnam Waste Planning

Giám đốc Công ty Vietnam Waste Planning tin tưởng việc áp dụng công nghệ một cách phù hợp và đã được chứng minh trên thế giới được sẽ cải thiện rất nhiều cho tình trạng xử lý rác thải rắn ở Việt Nam.

“Cho đến hiện tại, tôi nghĩ rằng những lò đốt rác thu hồi năng lượng là một trong những công nghệ đã được phát triển từ rất lâu đời, được chứng minh và áp dụng ở nhiều nơi. Vấn đề có thể quản lý tốt, xử lý được các vấn đề ô nhiễm thứ cấp đối với loại công nghệ này đã được chứng minh ở Nhật Bản, tôi nghĩ rằng đây là một trong những đề xuất đối với việc cải thiện quản lí chất thải rắn của Việt Nam”, ông Hideki Wada nói.

Nhận định về chuyển đổi công nghệ tại Việt Nam, GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Chúng ta đã có rất nhiều cố gắng để ghi nhận, nhiều cố gắng để chuyển đổi các công nghệ xử lý chất thải rắn sao cho phù hợp với đặc thù ở nhiều địa phương, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Bà cũng lấy ví dụ về việc Việt Nam nhập một số công nghệ xử lý chất thải rắn, đặc biệt là các công nghệ đốt, nhưng đặc thù rác của nước ta không hoàn toàn giống như rác của các nước khác.

Công nghệ nào phù hợp để Việt Nam giải quyết "vấn nạn" chất thải rắn sinh hoạt?

GS.TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

“Chúng ta không phân loại rác dẫn đến nguồn rác có rất nhiều loại, không tái chế rác thành những sản phẩm sử dụng được và đôi khi quy trình công nghệ nó chưa hợp lý, ngay việc chôn lấp rác của Việt Nam cũng để lại rất nhiều hậu quả gây ô nhiễm môi trường. Quá trình chôn lấp không hợp vệ sinh sinh ra khí thải của nước gây ô nhiễm môi trường và khối lượng chất thải rắn ngày càng nhiều chúng ta thiếu diện tích đất”, GS.TS. Đặng Kim Chi nhấn mạnh.

Bà cũng cho biết hiện một số công nghệ được Việt Nam áp dụng như công nghệ vi sinh do không được phân loại chất lượng phân vi sinh không tốt dẫn đến khó tiêu thụ.

Ở công nghệ đốt, đôi khi đốt ở quy mô nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải đi kèm, không đạt yêu cầu lại chuyển ô nhiễm rác thải thành ô nhiễm khí thải và nhiều nơi quá trình nước rỉ rác sinh ra không được xử lý. “Cho nên rất nhiều công nghệ tuy đã được áp dụng nhưng chưa triệt để hoàn toàn, còn tác động xấu đến môi trường và chúng ta cần thiết phải cố gắng tìm cách cải thiện và tìm hiểu công nghệ tốt hơn”, bà Đặng Kim Chi nhận định.

Việt Nam với gần 100 triệu dân, mỗi năm lượng chất thải rắn sinh hoạt rác thải gia tăng từ 10-16%, sẽ là sự lãng phí rất lớn nếu như khối lượng chất thải này không được xử lý, tái chế, tái sử dụng hiệu quả. Việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế rất lớn, thúc đẩy hình thành nên kinh tế tuần hoàn.