Theo hãng CNN, khi nhấp vào trang web bất kỳ khu nghỉ dưỡng sang trọng nào ở Maldives thì người dùng sẽ thấy toàn bộ trang bật cam kết về tính bền vững và thông tin xác thực ‘xanh’ có liên quan.
Điều đặc biệt, khẩu hiệu không phải mang tính tiếp thị du lịch thông thường mà nhấn mạnh đến ý thức quản lý chất thải, xói mòn đất và sản xuất năng lượng mặt trời. Từ lâu, Maldives không chỉ là điểm đến thông thường. Là quốc gia nằm ở vị trí thấp nhất trên thế giới, 99% là nước với hơn 1000 hòn đảo trải rộng trên 90.000 km2. Hầu hết khu nghỉ dưỡng của đất nước nằm trên các hòn đảo riêng lẻ, nâng cao trách nhiệm nhằm giảm thiểu ảnh hưởng trước môi trường mong manh của Maldives.
Khách du lịch có thực sự quan tâm đến tính bền vững của khu nghỉ dưỡng hay không?
Nhà sinh học biển Samuel Dixon, người đã làm việc tại Khu nghỉ dưỡng cao cấp Fairmont Maldives Sirru Fen Fushi khẳng định là có. Với tư cách là người quản lý tính bền vững của khu nghỉ dưỡng sang trọng, ông Samuel Dixon đã giám sát tất cả các sáng kiến lấy cảm hứng từ sinh thái của khu nghỉ dưỡng gồm 120 biệt thự, từ việc bảo vệ rạn san hô dài 9km cho đến thực hiện các chiến lược tiết kiệm năng lượng tiên tiến.
“Chúng tôi đang nhìn thấy sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch có ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong thị trường khách sạn hạng sang. Tôi nhận thấy có rất nhiều câu hỏi về một số công việc mà tôi đang làm, cho dù đó là phục hồi san hô, bảo tồn rùa, tái chế hay năng lượng cũng như cách sử dụng năng lượng mặt trời. Du khách đều hiểu rằng đây là xu hướng phát triển ngành khách sạn bền vững trong tương lai”, ông nói.
Phòng thí nghiệm bền vững
Ông Dixon cũng giám sát lắp đặt cơ sở mới tại khu nghỉ mát mang tên “Phòng thí nghiệm bền vững”, nơi cung cấp thông tin cho du khách nhằm giải quyết một trong những thách thức lớn nhất mà Maldives phải đối mặt là rác thải nhựa.
Khai trương vào đầu năm 2022, đây là trung tâm đầu tiên tập trung vào xử lý rác thải biển trong cả nước. Nằm cách bến tàu đến khu nghỉ mát chỉ vài bước chân, bên trong một tòa nhà làm bằng các container vận chuyển tái chế, tòa nhà sở hữu nhiều máy móc chuyên dụng biến rác thải nhựa thành đồ lưu niệm, đồ nội thất và đồ dùng cho các trường học địa phương. Phòng thí nghiệm cũng tái chế những “lưới ma” bị vứt bỏ trong quá trình đánh bắt cá bằng cách bện chúng thành vòng đeo tay và thẻ hành lý.
Chuyến thăm Phòng thí nghiệm thấy rõ những thùng lớn chứa đầy những mảnh nhựa nhỏ màu sắc khác nhau, xếp dọc các kệ, sẵn sàng đưa vào máy công nghiệp và nấu chảy thành nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Màu chủ đạo là màu xanh làm nhờ có rất nhiều nắp chai nước bằng nhựa.
Ông Dixon cũng cho biết nhựa có nguồn gốc từ nhiều nơi. Có bao bì đi kèm với nguồn cung cấp thực phẩm hàng tuần. Xe thu gom rác thải nhựa từ các khách sạn lân cận và trường học địa phương. Và tất nhiên, biển cũng mang đến nguồn nhiên liệu vô tận.
“Thật không may là nguồn rác vẫn đều đặn ở đại dương mỗi ngày. Chúng tôi phải loại bỏ từ 3 đến 5 kg chất thải vào buổi sáng ngay từ khu nghỉ dưỡng này, trong đó khoảng 1kg đến 2kg là nhựa. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập và thực hiện các chuyến đi đến những hòn đảo không có người ở nơi khác”, ông Dixon nói thêm.
Quá trình xử lý rác thải biển
Quá trình xử lý cũng theo từng bước. Đầu tiên, nhựa gia công được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn hoặc cặn bã. Sau đó, sẽ được cắt nhỏ thành những viên nhỏ và sử dụng máy đùn làm tan chảy và biến chất lỏng nhựa thành khuôn 3D để tạo ra những con rùa lưu niệm, móc carabiner và thước kẻ trường học.
Ngoài ra còn có một máy ép sẽ làm phẳng nhựa thành các tấm có thể được sử dụng “giống hệt như gỗ”. Đội thợ mộc của khu nghỉ mát sử dụng để làm đồ nội thất mà khách có thể đặt hàng và vận chuyển về nhà.
Mặc dù lượng nhựa được xử lý chỉ là nhỏ trong kế hoạch lớn nhưng ông Dixon cho biết điều quan trọng là phải nhắc nhở du khách về các vấn đề mà Maldives đang phải đối mặt đồng thời làm việc với cộng đồng địa phương để giải quyết những thách thức này.
“Tôi nghĩ đây là điều tuyệt vời khi đưa việc làm này vào ngành khách sạn và đặc biệt là ở một điểm đến như Maldives – được xem là thiên đường bình dị và rất nhiều du khách muốn đến”, ông nói.
Không có chai nước bằng nhựa – chỉ có chai thủy tinh – trong khi mỗi khách được tặng một chai nước có thể tái sử dụng tại một trong các trạm nước trên đảo và mang về nhà làm kỷ niệm. Ngay cả kem đánh răng trong bộ dụng cụ nha khoa cũng được đựng trong một gói giấy nhỏ.
Nghệ thuật sắp đặt dưới nước bằng san hô nhân tạo
Một không gian nghỉ dưỡng khác chú trọng bảo tồn là triển lãm nghệ thuật sắp đặt dưới nước độc đáo Coralarium, nằm cách khu vực bãi biển chính vài chục mét ngoài khơi. Tác phẩm điêu khắc lớn bằng kim loại được biết đến như một khu vườn san hô dành cho động vật hoang dã địa phương mà du khách có thể lặn và khám phá.
“Coralarium hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm giáo dục và bảo tồn. Tất cả đều được làm bằng vật liệu có độ pH trung tính, vì vậy sẽ không gây độc hại đối với sinh vật biển và không chứa chất gây ô nhiễm có hại. Cấu trúc được thiết kế để tái tạo một chất nền cứng của rạn san hô. Khi san hô có các sự kiện sinh sản hàng loạt, Coralarium về cơ bản sẽ bắt các polyp san hô và tạo điều kiện cho san hô phát triển một cách tự nhiên. Khoảng 120 loài cá chuyển đến, vì vậy sẽ trở thành một môi trường sống nhỏ cho sinh vật biển”, ông nói.
Đảo nước bí mật
Khu nghỉ dưỡng Fairmont Maldives nằm ở khu vực có biệt danh là “Đảo nước bí mật”. Ở mặt sau của hòn đảo là rạn san hô nhà dài 9 km của khu nghỉ mát, là nơi sinh sống của hơn 400 loài sinh vật biển. Trực tiếp ngoài khơi, điểm đến có thể dễ dàng được khám phá bằng một bộ ống thở. Du khách đến thăm từ tháng 12 đến tháng 4 sẽ có thể chứng kiến mùa cá đuối của rạn san hô.
Về chỗ ở, khu nghỉ dưỡng Fairmont Maldives Sirru Fen Fushi có nhiều biệt thự trên mặt nước với kích cỡ khác nhau, trong khi những người thích bãi biển có thể lựa chọn biệt thự bình minh hoặc hoàng hôn. Ngoài ra còn có các biệt thự dạng lều dành cho những ai muốn thực sự gần gũi với thiên nhiên. Trẻ em có thể tìm hiểu thêm về các nỗ lực bảo tồn của khu nghỉ dưỡng bằng cách tham gia chương trình Thế hệ Biển mới, bao gồm các chuyến thăm tới cả Phòng thí nghiệm Bền vững và Bể san hô.
Đối với người quản lý phát triển bền vững như ông Dixon, việc thấy những du khách ở mọi lứa tuổi quan tâm đến những vấn đề từng bị bỏ quên này là điều đáng kinh ngạc.
“Khi tôi nghĩ về cách chúng tôi đã thực sự thích nghi và tạo ra một môi trường bền vững hơn ở đây, đặc biệt là hoạt động bền vững hơn trong khu nghỉ dưỡng này, điều đó khiến tôi rất tự hào,” ông Dixon nói.
Nguồn: moitruongvadothi.vn