Trong bối cảnh dân số già tăng nhanh và áp lực khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên ngày càng lớn, Trung Quốc đang đẩy mạnh mô hình đưa bác sĩ gia đình về khu dân cư, trong nỗ lực thực hiện chủ trương công tác y tế “lấy cơ sở làm trọng tâm”.
Ông Vương, một người cao tuổi ở quận Kangbashi thuộc thành phố Ordos, Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc, từ năm 65 tuổi thường xuyên đến Trung tâm Dịch vụ y tế cộng đồng Châu Giang của quận để nhận được sự chăm sóc của các bác sĩ gia đình và phục hồi chức năng, như châm cứu, vật lý trị liệu.
Ông cho biết, vài năm trước ông từng bị đột quỵ nên rất cần được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Tháng nào ông cũng đến trung tâm, ít thì 1 lần, nhiều có khi 4-5 lần: “Tôi thường xuyên đến đây kiểm tra sức khỏe và làm vật lý trị liệu. Từ khi có bác sĩ gia đình, tôi ít phải đi các bệnh viện lớn. Hầu hết các dịch vụ ở đây đều miễn phí.”
Ông Vương chỉ là một trong số hơn 20.000 người dân ở đây nhận sự chăm sóc từ dịch vụ bác sĩ gia đình tại khu dân cư sau khi dịch vụ này được chính thức thực hiện tại Trung tâm Dịch vụ y tế cộng đồng Châu Giang từ năm 2013.
Theo bác sĩ Nhậm Kiến Quang, Giám đốc Trung tâm, các nhân viên y tế tại đây được chia làm 12 đội bác sĩ gia đình, mỗi đội gồm bác sĩ, y tá và nhân viên y tế cộng đồng. Nhiệm vụ chính của trung tâm là khám bệnh, phân loại, khi cần sẽ giới thiệu bệnh nhân lên tuyến trên và giúp người bệnh phục hồi sau điều trị. Trung tâm hiện phụ trách 23.000-25.000 dân, mỗi đội bác sĩ gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc cho khoảng 1.500 người với 3 nhóm đối tượng phục vụ chính là trẻ em từ 0-6 tuổi, phụ nữ có thai và người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mãn tính.
Riêng người già trên 65 tuổi sẽ được bác sĩ gia đình chăm sóc theo hợp đồng, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, khám sức khỏe miễn phí mỗi năm một lần. Những người bị cao huyết áp, tiểu đường sẽ được thăm khám định kỳ 4 lần/năm theo hình thức phục vụ tại nhà hoặc đến phòng khám tại trung tâm. Các bệnh nhân nằm liệt giường dài ngày, người tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân phục hồi sau điều trị…, sẽ được chăm sóc tận nhà, hướng dẫn phục hồi chức năng và cấp phát thuốc. Trẻ từ 0-6 tuổi được tiêm vaccine miễn phí, phụ nữ có thai được thăm khám trước và sau thai kỳ.
Dịch vụ là vậy, song không phải ngay từ đầu người dân đã chấp nhận được chăm sóc do còn nhiều nghi ngại. Bác sĩ Quang chia sẻ: “Thời gian đầu, người dân chưa hiểu về dịch vụ nên không thừa nhận. Khi chúng tôi phục vụ tại nhà, họ không chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi thiết lập quan hệ với cư dân như những người bạn và họ đến khám tận nơi tại chỗ chúng tôi, người dân đã đến trung tâm y tế cộng đồng khi mắc các bệnh nhẹ và chỉ đến các bệnh viện lớn khi bị bệnh nặng.”
Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu triển khai toàn diện dịch vụ bác sĩ gia đình theo hợp đồng, người dân có thể được hưởng các dịch vụ y tế cá nhân hóa và tùy chỉnh thông qua việc ký kết thỏa thuận dịch vụ với các tổ chức y tế cơ sở trong một thời gian nhất định và thiết lập mối quan hệ theo hợp đồng lâu dài, ổn định với các bác sĩ gia đình.
Tính đến nay, trên cả nước Trung Quốc đã thành lập được hơn 420.000 đội bác sĩ gia đình. Sau nhiều năm phát triển, mô hình này đang trở thành một phương thức giúp phần nào giải quyết các khó khăn trong khám chữa bệnh của người dân và giải tỏa bớt áp lực của các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng già hóa dân số đang ngày càng trầm trọng ở nước này.
Những mô hình bác sĩ gia đình theo hợp động về khu dân cư như thế này đang ngày càng nhiều tại Trung Quốc. Theo kế hoạch của chính phủ nước này, đến năm 2035, tỷ lệ bao phủ dịch vụ này ở Trung Quốc sẽ đạt hơn 75%, tức bao phủ toàn bộ các hộ gia đình ở nước này./.
Nguồn: vov.vn