Với hơn 100 nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, Việt Nam được coi là một trong năm quốc gia hàng đầu thế giới với tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 20% hàng năm.
Những con số biết nói
Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho biết, với hơn 100 nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, Việt Nam hiện đang được coi là một trong năm quốc gia hàng đầu thế giới về mức tăng trưởng 20% hàng năm của ngành. Chỉ bốn trong năm nền tảng hàng đầu trong nước bao gồm Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đã tạo ra doanh thu 135 nghìn tỷ đồng (5,73 tỷ USD) vào năm ngoái.
Quy mô của thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam được ước tính là 16,4 tỷ USD vào năm ngoái, tương đương 7,5% thu nhập của quốc gia từ việc bán sản phẩm và dịch vụ. Người tiêu dùng Việt Nam cũng chi trung bình 260 – 285 USD để mua hàng trực tuyến.
Theo Sách Trắng về Thương mại Điện tử Việt Nam 2022, có tới 74,8% người dùng Internet ở Việt Nam mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến, trong đó quần áo và mỹ phẩm, đồ gia dụng, thiết bị công nghệ và điện tử là những sản phẩm phổ biến nhất.
Trong bối cảnh đó, kinh doanh trên thương mại điện tử và mạng xã hội cũng đang lên ngôi. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội là điểm nhấn của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2022 và quý I/2023. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, số lượng nhân viên tại các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, WhatsApp, Viber hay Facebook Messenger cũng không ngừng tăng qua các năm.
Bán hàng trên mạng xã hội cũng được đánh giá là hiệu quả nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng kinh doanh cũng như nền tảng thương mại điện tử. Nổi bật nhất là sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của TikTok Shop. Hoạt động kinh doanh trên nền tảng này đang tạo sức hút lớn đối với một lượng lớn thương nhân trên cả nước.
Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện các nền tảng công nghệ dữ liệu B2B, kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc nhà bán buôn trên một nền tảng tập trung. Bằng cách tổng hợp nhu cầu, các nền tảng có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ nhỏ nhiều lựa chọn hơn, giá tốt hơn và hậu cần hiệu quả hơn.
Nhiều thách thức chờ đón
Mặc dù thương mại điện tử Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng đều trong năm 2023 và những năm tiếp theo, khi được hỗ trợ bởi một số động lực tăng trưởng, bao gồm làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số, niềm tin của người tiêu dùng, cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như các quy trình và các luật thuận lợi do Chính phủ ban hành.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều thách thức chờ đón phía trước.
Theo báo cáo tổng quan thị trường thương mại điện tử Việt Nam gần đây của Metric, nền tảng số liệu E-Commerce, tổng doanh thu và sản lượng của toàn thị trường thương mại điện tử trong quý I/2023 đều tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng, số lượng các thương nhân lại bị giảm mạnh lên tới 17%.
Đồng thời, tỷ trọng doanh thu của các cửa hàng bán lẻ chuyên nghiệp và bán lẻ trong quý I/2023 cũng bị sụt giảm 0,46% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi các cửa hàng chính hãng – Shop Mall lại tăng cả về thị phần lẫn doanh thu từ thị phần.
Có thể thấy, các nhà bán lẻ nghiệp dư đang bị bỏ lại trong cuộc chơi và dần rút lui khỏi thị trường. Điều này có nghĩa là lợi nhuận sẽ thuộc về những người bán hàng thực sự chuyên nghiệp đã đầu tư vào việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Theo dự báo của Metric, việc chuyển dịch sang mô hình Shop Mall sẽ là xu hướng để các nhà bán hàng gia tăng uy tín và doanh thu trên thương mại điện tử.
Ngoài ra, trước sự phát triển nhanh chóng của logistics, các thương nhân trong nước cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà bán lẻ nước ngoài. Để có thể tồn tại và phát triển, người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cần có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi yếu tố, bắt đầu ngay từ bước phân tích thị trường và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn