Monday, November 25, 2024

TP.HCM đề xuất chi 126 tỉ đồng để bảo vệ kênh rạch

TPHCM dự kiến chi 126 tỉ đồng cắm mốc hành lang bảo vệ 59 tuyến sông, kênh rạch với tổng chiều dài hơn 553 km để tránh tình trạng lấn chiếm.

Sở TN&MT TP.HCM vừa có báo cáo đề xuất HĐND, UBND TP.HCM và Sở KH&ĐT chủ trương đầu tư dự án cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng trên địa bàn TP.

Dự án với mục tiêu giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn. Đồng thời chủ động phòng chống, ứng phó và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân ven sông, kênh, rạch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy.

Ngoài ra, việc cắm mốc cũng nhằm bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống các trường hợp xây dựng, san lấp chiếm đất ven sông, suối, kênh, rạch; làm căn cứ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lắp lấn chiếm, những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông.

Dự án với tổng vốn đầu khoảng 126 tỉ đồng từ ngân sách TP.HCM và sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023-2026. Dự án sẽ thực hiện cắm mốc chỉ giới tổng số 59 tuyến với tổng chiều dài tuyến khoảng 553 km, tổng chiều dài mép bờ cao khoảng 926 km.

TP.HCM đề xuất chi 126 tỉ đồng để bảo vệ kênh rạch
Sở TN&MT đề xuất chủ trương đầu tư dự án cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch. (Ảnh: Internet)

Trong đó, sông Sài Gòn là tuyến dài nhất được cắm mốc trên chiều dài gần 72 km, từ khu vực cầu Bình Phước (TP Thủ Đức) đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh.

Một số tuyến sông khác cũng được cắm mốc như: Soài Rạp dài gần 60 km; sông Lòng Tàu dài 32 km và hơn 7 km sông Đồng Nai. Ngoài ra, hàng loạt kênh, rạch khác cũng được thành phố cắm mốc hành lang bảo vệ như rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông, kênh rạch… nhằm làm cơ sở kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm.

Việc cắm mốc cũng giúp tạo quỹ đất để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh, rạch, xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng, công viên, cây xanh nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị thành phố.

Ngoài ra, mốc bảo vệ hành lang các tuyến sông, rạch tạo thuận lợi cho chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định toạ độ, cao độ và lộ giới khi xây dựng và công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp. Đồng thời, công khai quy hoạch đô thị phục vụ công tác quản lý xây dựng và đầu tư phát triển đô thị, phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của TPHCM.

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT TPHCM), hiện có 107 trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch ở Thành phố Thủ Đức và 8 quận, huyện.

Trong đó, địa phương có công trình vi phạm nhiều nhất là huyện Bình Chánh (30 trường hợp). Tiếp theo lần lượt là huyện Nhà Bè (25 trường hợp); Thành phố Thủ Đức (18 trường hợp); Quận 12 (8 trường hợp); Quận 7 (7 trường hợp); huyện Củ Chi (7 trường hợp); huyện Cần Giờ (5 trường hợp); huyện Hóc Môn (4 trường hợp) và quận Bình Thạnh (3 trường hợp).

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img