Câu chuyện “Cất cánh” tháng 6 là những mảnh ghép làm nên bức tranh của tình yêu thương.
Từ năm 2001, ngày 28/6 hàng năm được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam. Đây cũng là dịp nhắc nhở mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị của mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.
Nhưng có những gia đình không trọn vẹn, thiếu vắng cha, mẹ hoặc không cùng một huyết thống nhưng ở đó, con trẻ được nuôi dưỡng và lớn lên, dẫu có khó khăn những vẫn được yêu thương, chở che và bảo vệ. Mỗi thành viên trong gia đình ấy là “một mảnh ghép” để tạo nên bức tranh gia đình riêng. Bức tranh ấy có thể nhạt màu, có thể chỉ có 2 người, hoặc có hàng trăm người nhưng với mỗi nhân vật trong bức tranh ấy, họ vẫn cảm thấy ấm áp.
Những khách mời của Cất cánh tháng 6
Cất cánh tháng 6 với chủ đề “Những mảnh ghép” là những câu chuyện bình dị về những mái nhà nhỏ. Đó có thể là một gia đình “không bình thường” dưới con mắt của những người xung quanh, là gia đình “hoàn hảo” theo một cách riêng của họ hay một gia đình đông đúc, thậm chí tình yêu thương còn vượt qua cả biên giới.
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả gồm Nguyễn Thị Xuyến – Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội; Nguyễn Thị Lệ Thu – Đoàn Ngọc Bảo; Huỳnh Quang Khải; cùng khách mời bình Đại tá, PGS.TS Vi Thái Lang – Trưởng Khoa Triết học và CNXH Khoa học, Học viện Chính trị Công an Nhân dân.
Câu chuyện đầu tiên mà Cất cánh chia là của một cô gái, thủ khoa Thủ khoa Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, một cô gái luôn tin rằng chúng ta không được quyền lựa chọn sinh ra, nhưng có quyền lựa chọn mình là người thế nào.
Gia đình Nguyễn Thị Xuyến – Thủ khoa Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội – có 4 người, tất cả đều sống phụ thuộc vào mức lương 4 triệu/tháng chưa kể tiền làm thêm giờ của cô mẹ (Bà Đinh Thị Nhạn – công nhân vệ sinh). Để nuôi một đứa trẻ ăn học chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Nếu như các gia đình khác có cả bố và mẹ quan tâm, bảo ban con thì mẹ Nguyễn Thi Xuyến lại phải gánh vác trọng trách của cả hai.
Để con không thiệt thòi, chưa bao giờ cô Nhan ngừng cố gắng làm việc. Xuyến còn nhớ mãi về đêm 30 Tết khi còn học phổ thông, trời mưa lớn nhưng mẹ cô vẫn đi dọn vệ sinh đến 3 giờ sáng mới về đến nhà. Thấu hiểu những khó khăn và vất vả của mẹ, Xuyến đã quyết tâm học hành, bởi cô cho rằng chỉ học mới là cách duy nhất để mẹ có thể tự hào và tất cả sẽ nhìn Xuyến với ánh mắt khác.
Trong suốt 5 năm học đại học, Nguyễn Thị Xuyến nhiều lần nhận được bằng khen cùng những giải thưởng khuyến khích của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Viện Vật lý Kỹ thuật. Mỗi lần như vậy, cô Nhan lại vui mừng và trân trọng hơn từng tấm giấy khen. Đây cũng chính là nguồn động lực lớn nhất giúp cô gạt bỏ những khó khăn, vất vả để tiếp tục cố gắng. Gia đình vốn đã neo người lại chưa có ai trong gia đình từng học Đại học Bách khoa Hà Nội, Xuyến biết đến ngôi trường đại học này chủ yếu qua lời khuyên từ các thầy cô giáo.
Có người từng nói cô sinh ra mà không có bố. Có người từng chê bai mẹ cô vì hoàn cảnh gia đình cùng công việc lao công. Xuyến cũng từng trải qua những ngày tháng học sinh chẳng có một người bạn. Tuy vậy, Xuyến chọn cách im lặng. Nữ thủ khoa tâm niệm thời gian sẽ trả lời cho những nỗ lực của bản thân. Thế nhưng, những ngày đầu, việc học cũng không hề dễ dàng. Xuyến từng bật khóc sau khi kết thúc kỳ thi Đại số vì nghĩ rằng mình đã không thể vượt qua được môn học khó nhằn này.
“Những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh chỉ ở với bố hoặc mẹ, theo quý vị, thứ chúng sợ nhất là gì? Thiếu thốn tài chính, hay tình thương của bố hoặc mẹ?…” – Nguyễn Thị Xuyến kể lại – “Thủa nhỏ, tuy ít có bữa cơm ngon, nhưng cũng chưa bao giờ phải nhịn đói, cũng chưa bao giờ trễ hạn đóng tiền học. Vì vậy, tài chính không phải là vấn đề quá đáng sợ. Nếu quý vị nghĩ là tôi khao khát tình thương của bố, cũng có đấy, nhưng chỉ là khi tôi nhìn thấy đứa trẻ khác thì có cha đón, còn tôi, chỉ có một mình. Đôi khi chạnh lòng đấy, nhưng cũng chẳng hề hấn gì… nhưng thứ tôi sợ nhất đó là bị nói là mày không có bố, mẹ mày chửa hoang à…, là những câu nói khi tôi học cấp 1 đã bị bạn bè chế giễu…”
“Tôi có một người mẹ luôn lắng nghe, mẹ dạy tôi nhiều thứ. Mẹ từ chối vào hộ nghèo vì mẹ bảo – Tao vẫn lo được cho mày, nhiều người còn khổ hơn nhà mình, đó là lòng tự trọng và sự tử tế, bàn tay mẹ nứt nẻ vì bị nước tẩy vệ sinh ăn mòn đó là sự chăm chỉ…”, Nguyễn Thị Xuyến bộc bạch – “Điều tôi khâm phục nhất ở mẹ đó là trong hoàn cảnh khó khăn như thế mà bà vẫn giữ được sự trong sạch”.
Cuối cùng, quả ngọt cũng đã đến. Nguyễn Thị Xuyến được công nhận là thủ khoa đầu ra của Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 3.68/4.0. Hiểu được những khó khăn của sinh viên trong quá trình học tập, Xuyến đã nhận công việc gia sư miễn phí cho các em khóa dưới, các bạn bằng tuổi và một số anh chị khóa trên phải học lại các môn cơ sở ngành. Thời điểm cuối năm 3, sau khi được nhiều người biết đến, số lượng sinh viên mong muốn được Xuyến kèm ngày càng đông. Lúc này, cô đã quyết định xây dựng lớp học online. Việc vừa đi dạy, vừa học đã giúp Nguyễn Thị Xuyến có thêm thu thập để trang trải cho việc học, vừa củng cố được kiến thức và trau dồi khả năng ăn nói. Từ đây, mỗi năm học, nữ sinh này đã giúp đỡ khoảng 400 sinh viên Bách khoa “vượt vũ môn” các môn cơ sở ngành. Mỗi khi các bạn gặp khó khăn hay có những vấn đề cần giúp đỡ, Nguyễn Thị Xuyến luôn cố gắng tìm cách trả lời sao cho phù hợp, hữu ích nhất.
Dẫu có “khuyết thiếu” đi 1 phần nhưng tình yêu thương và cố gắng của mỗi người sẽ bù đắp tất cả. Dẫu chỉ có 2 mảnh ghép, bức tranh gia đình Xuyến vẫn ấm áp. Với Xuyến, “Nhà” chính là mẹ, là điểm tựa vững chãi của cô.
“Tôi chẳng biết tương lai sẽ thế nào, nhưng nếu hôm nay có ai đó hỏi tôi ước mơ của tôi là gì, tôi sẽ nói đó là tôi mong có thể lo được cho mẹ lúc về già. Chặng đường phía trước còn rất khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn hy vọng Trời sẽ không phụ lòng người” – Nguyễn Thị Xuyến kết lại – “Và trên hết điều tôi muốn gửi đến các bạn, đó là những đứa trẻ thì không có khả năng lựa chọn hoàn cảnh để sinh ra nhưng chúng ta được lựa chọn mình trở thành thế nào”.
Mỗi gia đình là một câu chuyện, một góc rất riêng nhưng có điểm chung đó là tình yêu mà mỗi người dành cho nhau. Gia đình của Nguyễn Thị Lệ Thu – Đoàn Ngọc Bảo tuy không giàu có vật chất nhưng không bao giờ vắng đi tiếng cười vì họ luôn nghĩ rằng ghép với nhau họ là một đôi vừa vặn.
Vốn sinh ra khoẻ mạnh ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, trong một lần bế em gái 7 tháng tuổi để bố mẹ đi làm thì không may Nguyễn Thị Lệ Thu gặp nạn năm 10 tuổi, lần đó, đã lấy mất chân trái của cô.
Trong khi đó, Đoàn Ngọc Bảo, buộc phải cắt chân trái cách đây 10 năm vì mắc chứng bệnh phù chân voi. Bất chấp cơ thể không lành lặn, Bảo tham gia chạy bộ, leo núi, trượt patin. Năm 2015, anh là đại diện Việt Nam dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc, bộ môn trượt tuyết.
Cả hai đều là những người khuyết tật nổi tiếng trong cộng đồng. Thế nhưng chỉ đến khi Thu nhìn thấy hình ảnh của Bảo trong giải chạy của Trung tâm Nghị lực sống tháng 12/2019 qua mạng xã hội, họ mới chính thức kết nối. Biết Thu thích trượt patin, sau này Bảo đã gửi một chiếc giày tặng cô. Sau nhiều lần nhắn tin qua lại, hẹn gặp nhưng đều lỡ cả hai cũng chính thức gặp nhau. Bảo cảm mến Thu từ ánh nhìn đầu tiên vì nụ cười luôn rạng rỡ. Còn với Thu, anh là người biết quan tâm, chia sẻ, lắng nghe.
Sau hai tháng quen nhau, Thu nhận lời về nhà bạn trai chơi. Nhận được sự ủng hộ của hai bên gia đình cả hai chính thức nên duyên vợ chồng chỉ khoảng sau gần 3 tháng quen nhau. Cưới nhau được vài tháng, Thu mang bầu nên phải bỏ chân giả, chuyển sang dùng nạng. Việc di chuyển có lúc gặp nhiều khó khăn. Những lúc như vậy Bảo luôn bên cạnh động viên, xoa bóp chân tay cho vợ trong những ngày thai nghén.
Cả hai vợ chồng đều chỉ có một chân nên nhiều việc không làm được, phải nhờ người giúp. Lần đang ở tuần 32 của thai kỳ, Thu bị đau bụng dữ dội sau khi ăn. Lúc này, Bảo luống cuống gọi xe cấp cứu nhưng không thể bế được vợ ra ngoài. Cặp vợ chồng phải “cầu cứu” nhờ bạn bè, hàng xóm đến hỗ trợ đưa đi viện. Vài tuần sau, hai vợ chồng hạnh phúc chào đón “trái ngọt” tình yêu đầu tiên, đó là một bé trai đáng yêu.
Một “gia đình đặc biệt” nếu chỉ nhìn bề ngoài. Nhưng với họ, sự gắn kết, tình yêu là điều mà họ trân trọng, cố gắng gìn giữ nhất. Họ chính là “những mảnh ghép hoàn hảo” dành cho nhau.
Xuất thân là trẻ mồ côi, hơn ai hết, anh Huỳnh Quang Khải thấu hiểu nỗi cơ cực của những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Chính vì thế, suốt 15 năm qua, lớp học tình thương Ngọc Việt tại Quận 12, TP. Hồ Chí Minh do anh gây dựng cứ thế chào đón những đứa trẻ khó khăn, với mong muốn tất cả những đứa trẻ đều được sống một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy.
Một lớp học chỉ dành cho những đứa trẻ nghèo, mồ côi, bán vé số… Một lớp học đầy đủ các chức năng: dạy học, nấu cơm, cắt tóc… Suốt 15 năm qua, lớp học tình thương Ngọc Việt vẫn luôn chào đón những em nhỏ tìm đến, bởi ở đây không chỉ có niềm vui học con chữ.
Hành trình lèo lái lớp học của thầy Khải không cô độc bởi luôn có sự đồng hành của vợ – Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, cùng nhau vun vén cho lớp học này. Không chỉ là nơi dạy chữ, lớp học này đã trở thành ngôi nhà thứ 2 cho những đứa trẻ khó khăn; từ sáng đến tối chúng ở lại đây, cùng ăn cùng học. Cứ độ dăm bữa nửa tháng, tiệm cắt tóc thầy Khải lại tấp nập những khách hàng của lớp học. Tình cảm cứ thế lớn dần, không biết từ bao giờ, thầy Khải – cô Hà đã trở thành người cha người mẹ gắn bó với lũ trẻ này đến vậy.
Có những người không máu mủ ruột già nhưng đã dành cho những người không quen biết những sự quan tâm kịp thời, sự thương yêu ấm áp. Chính những tình yêu thương đó là điểm tựa để những hạt mầm lớn lên, trưởng thành và sống tử tế.
“Châm ngôn sống của tôi là sống là cho đi. Tôi vẫn cho đi trong 15 năm qua” – anh Huỳnh Quang Khải nói tiếp – “Tôi mong có thể 5 năm, 10 năm nữa được dẹp lớp này đi. Bởi tôi nghĩ khi còn lớp này là sẽ còn những trẻ em cơ nhỡ, còn những đứa trẻ bất hạnh, không thể đến trường. Con đường thiện nguyện của tôi vẫn sẽ còn nhiều chông gai và thử thách. Tôi mong rằng tôi sẽ có đủ bản lĩnh và tự tin đi qua những thử thách ấy”.
Nguồn: vtv.vn