Monday, January 20, 2025

Dubai sắp mở phòng thương mại tại Việt Nam

Tiểu quốc giàu có và sầm uất nhất trong Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sắp mở phòng thương mại tại TP.HCM để tích cực thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.

Thông tin này được tiết lộ tại cuộc phỏng vấn độc quyền tại Thụy Sĩ giữa Báo Thanh Niên và ông Mohammad Ali Rashed Lootah, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Các Phòng thương mại Dubai (Dubai Chambers).

Ông Lootah dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu tham gia Đại hội các Phòng Thương mại Thế giới lần thứ 13 diễn ra từ 21-23.6 tại thành phố Geneva.

Dubai sắp mở phòng thương mại tại Việt Nam

Chủ tịch và Giám đốc điều hành Dubai Chambers Mohammad Ali Rashed Lootah trả lời phỏng vấn với Báo Thanh Niên tại Đại hội các Phòng Thương mại Thế giới lần thứ 13 ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 22.6

NOAH ROSA

Được mệnh danh là “Hòn ngọc vùng Vịnh”, Dubai là một trong bảy thành viên của UAE. Tiểu quốc có diện tích 4.114 km2 và 3,6 triệu dân này đóng góp hơn 1/3 GDP của toàn liên bang, tức khoảng 177/503 tỉ USD năm 2022.

Sự hiện diện hào nhoáng và tinh tế của Dubai Chambers tại các sự kiện quốc tế gần đây phản ánh rõ nét chiến lược vươn xa với tên gọi “Dubai Toàn cầu” và “Nghị trình Kinh tế” mới đầy tham vọng của tiểu vương quốc với mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong vòng một thập niên tới.

Dưới đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn:

Thanh Niên: Số liệu chính thức của Bộ Kinh tế UAE cho thấy năm 2021, tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu đối với sản phẩm phi dầu mỏ của UAE tăng 28% so với năm trước. Năm 2022 tăng thêm 17%, đạt tổng trị giá 2.233 tỉ AED (608 tỉ USD). Cả nhập khẩu và xuất khẩu, cũng như tái xuất khẩu, đều đạt mức cao trong và sau đại dịch Covid-19. Điều gì đã khiến ngoại thương của UAE tăng ấn tượng như vậy, trong khi thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng?

Ông Mohammad Ali Rashed Lootah: Có nhiều lý do. Đầu tiên, chúng tôi đã hành động rất nhanh trong các đợt bùng phát Covid-19, vì vậy chúng tôi đã mở cửa trở lại rất sớm. Thứ hai, nhiều chính sách, chương trình cứu trợ được đưa ra, làm tăng tính thân thiện và cạnh tranh của môi trường kinh doanh. Tôi nghĩ điều đó đã mang lại cho chúng tôi, UAE và Dubai, lợi thế lớn để thu hút nhiều khoản đầu tư từ bên ngoài, giúp nhiều doanh nghiệp ra đời bất chấp đại dịch. Khi doanh nghiệp cũ vẫn tồn tại và nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, họ cần rất nhiều thứ để (tái) hoạt động nên kim ngạch thương mại tăng trưởng thôi.

Ngoài ra, trong thời gian đại dịch Covid-19, chúng tôi chỉ đóng cửa có hai tuần. Trong khi đó, chúng tôi vẫn tích cực đối thoại với các đối tác để tìm cách giúp thương mại toàn cầu không bị ách tắc. Chúng tôi đã ký kết một số Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA, hay hiệp định thương mại tự do) với nhiều quốc gia để gia tăng ngoại thương và dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Nhờ vậy mà cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng.

Dubai sắp mở phòng thương mại tại Việt Nam

Ông Mohammad Ali Rashed Lootah phát biểu tại Đại hội các Phòng Thế giới lần thứ 13 hôm 21.6 tại Geneva, Thụy Sĩ

MARC BADER

UAE, và đặc biệt là Dubai, đã trở thành một nền kinh tế sôi động, một trung tâm khởi nghiệp và du lịch mà cả thế giới đều hào hứng tìm đến. Làm thế nào các ông đã chuyển đổi nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ thành một trung tâm kinh tế đa dạng và sôi động như thế trong vài thập niên qua và duy trì sự sôi động đó trong tương lai?

Chúng tôi có một quy trình nội bộ đảm bảo sự tham gia của khu vực tư nhân trong bất kỳ dự thảo luật và thay đổi chính sách nào. Thông thường, chính phủ liên hệ với khu vực tư nhân thông qua các phòng thương mại, để đảm bảo rằng tất cả các luật và quy định có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến doanh nghiệp đều được xem xét và điều chỉnh kịp thời nếu có vấn đề. Các phòng thương mại là nơi tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của khu vực tư nhân, rồi trao đổi lại với chính phủ về bất kỳ chính sách hoặc quy định nào có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp hoặc góp phần thu hút đầu tư nước ngoài.

Ví dụ năm 2022, chỉ thông qua Các Phòng Thương mại Dubai của chúng tôi, chính phủ đã rà soát lại 81 luật và dự thảo luật. Trung bình, tỷ lệ chính phủ chấp nhận ý kiến từ khu vực tư nhân là 60%, một con số rất cao. Trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như luật kinh tế hộ gia đình, tỷ lệ chấp nhận lên đến 90%. Điều đó có nghĩa là chính phủ rất dũng cảm và thực sự lắng nghe khu vực tư nhân. Điều đó cũng đồng nghĩa là khu vực tư nhân tin tưởng vào chính phủ và họ sẽ tiếp tục đưa ra ý kiến phản ánh, đóng góp của mình.

Khu vực tư nhân rất nhạy bén. Nếu họ không thể hành động nhanh tại thị trường của chúng tôi, họ sẽ chuyển sang các thị trường khác ngay lập tức. Vì vậy, điều rất quan trọng là phía làm chính sách phải hành động nhanh chóng và thu hút được sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Đối với một số luật kinh doanh, không chỉ doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng, các tổ chức phi chính phủ đều phải được can dự.

Mặt khác, chúng tôi đề cao sự đổi mới và sáng tạo. Chúng tôi có một nền văn hóa khuyến khích sự đổi mới. Đổi mới không chỉ quan trọng đối với các công ty, mà còn giúp thu hút nhân tài. Đó là lý do tại sao Dubai là nơi quy tụ nhân lực đến từ 199 quốc gia. Chúng tôi đã thu nhận được nhiều nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc ở đây, bởi họ thích văn hóa đổi mới của chúng tôi. Họ muốn ý tưởng của họ được chấp nhận và phát triển. Đổi mới diễn ra trên mọi lĩnh vực chứ không chỉ ở mảng công nghệ như một số người từng nghĩ. Và điều quan trọng là làm thế nào thu hút được mọi khu vực kinh tế, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia vào động lực đổi mới này.

Ông có thể nói thêm về các Phòng thương mại của Dubai? Chúng được cơ cấu và hoạt động như thế nào?

Chúng tôi đã trải qua một quá trình tái cơ cấu gần đây. Chúng tôi từng là một phòng thương mại duy nhất. Bây giờ chúng tôi chia thành ba, gọi chung là Các Phòng thương mại Dubai (Dubai Chambers). Trong đó, Phòng Thương mại Dubai (Dubai Chamber of Commerce) phụ trách khu vực quốc nội, chăm sóc doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách chính sách và cấp các thể loại giấy tờ, thủ tục kinh doanh của tiểu quốc. Phòng Thương mại Quốc tế Dubai (Dubai International Chamber – DIC) tập trung vào việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và giúp các công ty Dubai vươn ra toàn cầu để đầu tư bên ngoài hoặc xuất khẩu nhiều hơn. Phòng thương mại kinh tế kỹ thuật số Dubai (Dubai Chamber of Digital Economy – DCDE) giúp phát triển lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, đồng thời tăng cường số hóa trong nền kinh tế.

DIC được thành lập năm 2021 và được giao nhiệm vụ thực thi sáng kiến “Dubai Toàn cầu”. Đó là mạng lưới văn phòng đại diện và cán bộ xúc tiến thương mại. Họ tập trung vào các khu vực Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh, bên cạnh các nền kinh tế phát triển.

Sớm thôi, trong năm nay, chúng tôi sẽ mở văn phòng tại TP.HCM. Tôi chưa thể nói thời điểm cụ thể vào lúc này. Nhưng trong tháng 7 tới, chúng tôi sẽ đưa một phái đoàn kinh doanh đến Việt Nam để gặp gỡ tất cả các phòng thương mại ở đó và gặp các công ty Việt Nam.

Hồi tháng 5, chúng tôi đã mở văn phòng tại Jakarta (Indonesia) và Singapore. Chúng tôi tin rằng các nước ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng, nên chúng ta cần kinh doanh và đầu tư nhiều hơn nữa ở khu vực này.

Dubai sắp mở phòng thương mại tại Việt Nam

Gian hàng của Dubai Chambers tại Đại hội các Phòng thương mại Thế giới lần thứ 13 thu hút nhiều khách tham quan

MARC BADER

Điều này thật hấp dẫn và có phải nó đồng nghĩa Dubai đã tìm thấy những tiềm năng mạnh mẽ của Việt Nam?

Việt Nam rất quan trọng đối với chúng tôi, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi đã chứng kiến Việt Nam tăng trưởng GDP liên tục mỗi năm trong hơn 10 năm qua. Dubai Chambers của chúng tôi luôn quan sát để xác định nên tập trung vào những đối tác nào.

UAE và Việt Nam có mối quan hệ song phương bền chặt và chúng tôi kỳ vọng quan hệ kinh tế sẽ phát triển hơn nữa sau tuyên bố chung gần đây về ý định khởi động đàm phán để thiết lập hiệp định thương mại tự do CEPA giữa hai nước.

Đây là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp năng động của Việt Nam hưởng lợi từ tiềm năng thương mại và đầu tư to lớn của Dubai. Tương tự, các doanh nghiệp Dubai cũng có thể hưởng lợi khi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là thông qua xuất khẩu và tái xuất khẩu.

Dubai được kết nối sâu rộng nhất với lục địa Phi châu. DP World (công ty hậu cần đa quốc gia của Dubai – NV) quản lý khoảng 25 cảng ở châu Phi. Emirates là hãng hàng không kết nối nhiều nhất với châu Phi. Dubai còn có một hiệp ước toàn cầu lịch sử về kinh tế với châu lục này. Vì vậy, những gì chúng tôi có thể đem lại cho các công ty Việt Nam là thông qua Dubai để vươn ra toàn cầu.

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu vào Dubai, nên chúng tôi tin rằng bằng việc đặt văn phòng chính thức tại đây, chúng tôi không chỉ khuyến khích các công ty lớn của Dubai đến Việt Nam mà còn khuyến khích nhiều công ty Việt Nam tận dụng những gì Dubai có thể cung cấp.

Điều quan trọng đối với chúng tôi là đảm bảo văn phòng của chúng tôi tại Việt Nam, một khi được thành lập, sẽ hoạt động tích cực. Chúng tôi luôn tập trung vào kết quả với các mục tiêu rõ ràng, chẳng hạn như chúng tôi phải thu hút bao nhiêu công ty Việt Nam và giúp họ phát triển ở Dubai, bao nhiêu công ty Dubai đến Việt Nam thông qua đầu tư. Dựa trên các mục tiêu đã đặt ra, chúng tôi có thể đo lường thành công hoặc học hỏi thêm và tiếp tục cải tiến.

Những lĩnh vực hoặc ngành công nghiệp nào đặc biệt tiềm năng để Việt Nam và Dubai có thể phát triển kinh doanh nhiều hơn nữa trên lãnh thổ của nhau?

Có hai mảng chính. Đầu tiên, chúng tôi sẽ tập trung thu hút các công ty khởi nghiệp (startup) ngành công nghệ kỹ thuật số từ Việt Nam. Chúng tôi có những sự kiện rất lớn diễn ra ở Dubai, chẳng hạn như Expand North Star Summit do DCDE tổ chức vào tháng 10 hằng năm. Năm ngoái, sự kiện này đã thu hút 800 công ty khởi nghiệp ngành công nghệ đến từ hơn 100 quốc gia và hơn 600 quỹ đầu tư mạo hiểm. Năm nay, sự kiện sẽ được làm lớn hơn nữa. Đó là cơ hội để các startup công nghệ Việt sang Dubai, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình để gọi vốn.

Mảng thứ hai tập trung vào các lĩnh vực truyền thống. Chúng tôi biết Việt Nam có thế mạnh về sản xuất. Làm thế nào để giúp nhiều hàng hóa Việt Nam đi từ Dubai đến các khu vực lân cận như châu Phi, Trung Đông và Trung Á? Từ đầu năm ngoái, chúng tôi đã thấy rất nhiều loại trái cây đến từ Việt Nam. Các mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng cao trong xuất khẩu của Việt Nam sang Dubai gồm cà phê, trái cây nhiệt đới, đồ gỗ và hạt điều. Làm sao để có thể tăng lượng hàng này vào Dubai? Chúng tôi rất sẵn lòng làm điều đó!

Mặt khác, chúng tôi muốn đưa vào thị trường Việt Nam nhiều sản phẩm từ Dubai và châu Phi như gia vị, nước hoa và xúc xích, một cách bền vững và giá cả phải chăng hơn. Với cơ sở hạ tầng và các kết nối hiện có, chúng tôi tin chắc có thể cung cấp hàng hóa từ các từ Dubai và các khu vực lân cận với mức giá rất cạnh tranh.

Xin nói một chút về tài chính. Có một sự công nhận rộng rãi rằng Dubai là một trung tâm tài chính với nguồn vốn đầu tư dồi dào. Theo ông, làm thế nào để các công ty Việt Nam có thể tiếp cận được nguồn vốn này?

Tôi mời các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đến Dubai vào tháng 10 năm nay để tham gia sự kiện mà tôi đã đề cập bên trên. Năm ngoái, số tiền được trao cho các công ty khởi nghiệp tại sự kiện này đã đạt gần 500 triệu USD. Cũng cần nhắc thêm rằng khoảng 40% quỹ dành cho các công ty khởi nghiệp ở khu vực Trung Đông chảy vào Dubai trong năm ngoái. Vậy nên đây là cơ hội lớn cho các công ty khởi nghiệp của Việt Nam.

Còn quỹ cho các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng hoặc nông nghiệp thì sao?

Lĩnh vực công nghệ là rất quan trọng đối với chúng tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không xem xét các dự án trong các lĩnh vực khác. Điều quan trọng là phải cho chúng tôi thấy các dự án có hồ sơ toàn diện, rõ ràng về các điều khoản và điều kiện cũng như tất cả các yêu cầu. Dubai Chambers của chúng tôi có thể thực hiện việc kết nối. Nếu có những dự án như vậy, hãy liên lạc qua chúng tôi. Chúng tôi sẽ chuyển đến các bên có quan tâm ở Dubai.

Chúng ta có tiềm năng lớn để đầu tư vào các lĩnh vực cùng quan tâm, như công nghiệp, năng lượng, hậu cần, nông nghiệp, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Các lĩnh vực có tiềm năng đầu tư cao tại Việt Nam bao gồm kinh doanh nông nghiệp, xây dựng, du lịch sinh thái và chế biến thực phẩm.

Với Nghị trình Kinh tế mới của Dubai (gọi tắt là D33) mà mục tiêu là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế Dubai vào năm 2033, triển vọng của chúng tôi về mối quan hệ bền chặt hơn với Việt Nam là rất tích cực vì cả hai bên có thể tận dụng các thỏa thuận và quan hệ đối tác chiến lược của nhau.

Xin cảm ơn ông!

Quan hệ kinh tế Việt Nam-Dubai qua những con số

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu phi dầu mỏ của Dubai sang Việt Nam đạt 309 triệu USD, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam đạt mức kỷ lục 7,37 tỉ USD. Các sản phẩm xuất khẩu và tái xuất khẩu chính của Dubai sang Việt Nam năm 2022 gồm thuốc lá (92 triệu USD), thức ăn gia súc (38 triệu USD) và nhôm (33 triệu USD). Ngoài ra còn nước hoa và mỹ phẩm, máy móc, nhựa, sắt thép, nhiên liệu khoáng và nhựa đường, và dụng cụ y tế. Trong khi đó, Dubai nhập từ Việt Nam đồ điện tử (5,15 tỉ USD), giày dép (564 triệu USD) và máy móc (375 triệu USD), bên cạnh các mặt hàng dệt kim, hóa chất vô cơ, quần áo, trái cây và quả hạch, cà phê, trà và gia vị, đồ nội thất và đồ da. Tính đến ngày 31.5.2023, Phòng thương mại Dubai đã có tổng cộng có 170 thành viên từ Việt Nam, trong đó 22 thành viên đăng ký từ tháng 1-5.2023.

(Nguồn: Dubai Chambers)

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img