Chỉ một số người được tận mắt nhìn thấy xác tàu Titanic dưới đáy biển sâu, bởi rất ít người hội đủ điều kiện về tài chính và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Công ty nghiên cứu và du lịch OceanGate Expeditions cung cấp chương trình du lịch kéo dài 8 ngày đưa khách hàng khám phá Titanic ở độ sâu hơn 13.000 feet (hơn 4.000m) dưới bề mặt đại dương bằng tàu ngầm chế tạo từ sợi carbon và titan 5 chỗ ngồi. Theo trang web của công ty, trải nghiệm “một lần trong đời” có giá 250.000 đô la Mỹ mỗi người (khoảng 6 tỉ đồng).
Du lịch mạo hiểm đã trở thành xu hướng ngày càng tăng bởi nhiều người thích cảm giác mạnh, vượt qua ranh giới của du lịch thông thường. Ví dụ, OceanGate Expeditions là một trong số các công ty đáp ứng nhu cầu của các cá nhân muốn khám phá những độ sâu dường như không thể tiếp cận được ở các đại dương trên thế giới.
Xem nhanh 20h ngày 21.6: Cứu người đuối nước ngoạn mục | Toàn cảnh vụ tàu ngầm Titan mất tích
OceanGate đã tiến hành các chuyến thám hiểm thành công đến xác tàu Titanic vào năm 2021 và 2022. Vào thứ hai, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ một con tàu thuộc OceanGate đã mất liên lạc trong chuyến tham quan xác tàu Titanic. Công ty cho biết họ đang “huy động mọi phương án để đưa thủy thủ đoàn trở về an toàn”.
OceanGate Expeditions, có trụ sở tại Everett, Washington, được thành lập vào năm 2009 bởi kỹ sư hàng không vũ trụ Stockton Rush, người cũng ở trên tàu lặn.
Theo trang web của công ty, OceanGate đã phát triển các tàu lặn có người lái ở độ sâu 4.000m (13.123 feet) và 6.000m (19.685 feet), để phục vụ nghiên cứu khoa học…
Rush cũng là thành viên hội đồng quản trị của OceanGate Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào phát triển công nghệ hàng hải để thúc đẩy khoa học biển, lịch sử và khảo cổ học. Trong số các chuyến thám hiểm mà OceanGate cung cấp có xác tàu đắm, miệng phun thủy nhiệt và hẻm núi dưới biển sâu.
Tour “độc” luôn đi kèm rủi ro
Chuyến đi là một phần của du lịch mạo hiểm chỉ dành cho những người cực kỳ giàu có – một nhóm dự kiến sẽ phát triển đông hơn trong những năm tới. Theo báo cáo tài sản hàng năm của công ty quản lý bất động sản toàn cầu Knight Frank, số người trên thế giới đủ tiêu chuẩn là những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao, hoặc những người có tài sản ròng vượt quá 30 triệu USD, đã tăng 44% kể từ năm 2017.
Những người sẵn sàng chi một khoản tiền lớn có thể thực hiện các chuyến du lịch vòng quanh thế giới bằng máy bay riêng trong 24 ngày, đi trực thăng đến trại căn cứ của đỉnh Everest và thậm chí là các chuyến du hành vào vũ trụ. Tuần trước, Virgin Galactic đã thông báo dịch vụ du hành vũ trụ thương mại của họ sẽ chính thức bắt đầu vào cuối tháng này và chuyến đi thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 8. Công ty nói với CNN rằng một vé có giá 450.000 đô la cho “các phi hành gia tư nhân” và họ đã bán được khoảng 800 vé.
Mặc dù du lịch vũ trụ phần lớn vẫn chưa thể đạt được đối với hầu hết mọi người, nhưng đó là lĩnh vực du lịch đang phát triển. Blue Origin của Jeff Bezos và SpaceX của Elon Musk cũng đã đưa khách hàng trả tiền vào vũ trụ trong hai năm qua và công ty khởi nghiệp công nghệ vũ trụ Orion Span có trụ sở tại Mỹ có kế hoạch mở khách sạn không gian sang trọng đầu tiên trên thế giới, sẽ có giá khoảng 10 triệu đô la một người cho một kỳ nghỉ hai tuần.
Một số chuyến du ngoạn cực kỳ sang trọng, đắt đỏ vì chúng có tính rủi ro cao, đồng nghĩa với việc phải chuẩn bị kỹ càng, tốn kém. Trên podcast “Unsung Science” vào tháng 11.2022 do phóng viên CBS David Pogue thực hiện, Rush cho biết việc khám phá thế giới đi kèm với rủi ro.
“Tại một số điểm, an toàn chỉ là sự lãng phí thuần túy. Ý tôi là, nếu bạn chỉ muốn được an toàn thì đừng ra khỏi giường. Đừng lên xe của bạn. Đừng làm gì cả. Tại một thời điểm nào đó, bạn sẽ chấp nhận một số rủi ro”, ông nhấn mạnh.
Theo Cục Hàng không Liên bang, Quốc hội Mỹ có lệnh cấm các chuyến bay thương mại có người vào vũ trụ, nghĩa là các quy định an toàn của chính phủ không áp dụng cho tàu vũ trụ do Virgin Galactic, Blue Origin hoặc SpaceX thiết kế. Hiện tại, những khách hàng trả tiền khi du hành vào vũ trụ phải ký vào các biểu mẫu “đồng ý có hiểu biết” để chấp nhận mọi nguy hiểm có thể xảy ra.
CNN đã yêu cầu xem các biểu mẫu này từ Blue Origin, SpaceX và Virgin Galactic nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức.
Nguồn: thanhnien.vn