Toyota cho rằng cách tiếp cận đa chiều như xe điện, xe hybrid, xe dùng nhiên liệu sinh học… là giải pháp toàn diện và hiệu quả hơn thay vì tập trung hoàn toàn vào xe điện để hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Không phải đợi đến Hội nghị COP 27 về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Ai Cập cuối năm 2022, thế giới mới đối diện với thách thức ngày càng hiện hữu của tình trạng ấm lên toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, ngành công nghiệp ô tô cũng đang chuyển mình để thích ứng với những tiêu chuẩn, cam kết từ Chính phủ các nước nhằm hướng đến mục tiêu đưa phát thải về 0 từ năm 2050.
Vậy con đường đi đến tương lai không phát thải có những lựa chọn nào?
Tùy vào tầm nhìn và định hướng chiến lược của mỗi hãng, lựa chọn dòng xe để theo đuổi không giống nhau. Trong khi nhiều hãng xe lớn trên thế giới lựa chọn vào xe điện chạy pin (BEV), thì Toyota – hãng xe lớn bậc nhất Nhật Bản lựa chọn nhiều giải pháp trong nỗ lực hướng đến mục tiêu trung hòa carbon.
Tiếp cận nhiều giải pháp nghĩa là cho phép nhiều loại xe điện hóa nằm trong danh mục nghiên cứu, phát triển và kinh doanh của Toyota. Những dòng xe này có thể là xe điện chạy pin sạc ngoài (BEV), xe điện dùng pin nhiên liệu (FCEV), xe hybrid, xe dùng xăng sinh học…
Toyota cho rằng, lựa chọn nhiều giải pháp là cách tiếp cận mang tính tổng thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của khoa học kỹ thuật ô tô và mỗi thị trường hãng xe hướng đến.
Ví dụ tại Việt Nam, khi hạ tầng trạm sạc vẫn còn ít ỏi và chưa thu hút được các công ty đầu tư xây dựng đủ rộng và đồng bộ. Vì thế, Toyota lựa chọn những dòng xe hybrid với khả năng vận hành như xe xăng nhưng giảm phát phải, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Việt Nam như Toyota đưa về các dòng hybrid tự sạc như Corolla Cross, Camry, Altis. Bởi xe hybrid không cần sạc ngoài, từ đó không đòi hỏi hạ tầng trạm sạc như xe điện giúp chi phí sử dụng rẻ hơn, tiết kiệm hơn xe xăng, dầu cùng loại.
Xe hybrid tại Việt Nam đóng góp doanh số vẫn còn nhỏ so với quy mô của loại phương tiện này trên bình diện toàn cầu. Toyota đang là hãng thành công với xe hybrid bởi doanh số tích lũy đến hết năm 2022 đạt hơn 22 triệu chiếc, lớn hơn bất kỳ hãng nào khác. Hãng Nhật tiên phong ở mảng xe này và Prius là chiếc hybrid đầu tiên của Toyota, xuất xưởng năm 1997.
Không chỉ xe hybrid, xe điện cũng đang được thương hiệu Nhật đẩy mạnh. Toyota và hãng con Lexus đặt mục tiêu bán khoảng 3,5 triệu xe điện tính đến hết 2030. Trong quãng thời gian này, hãng sẽ giới thiệu tổng cộng 30 mẫu xe điện mới chạy pin.
Toyota cũng đang phát triển loại pin thể rắn với khả năng sạc đầy trong 10 phút. Hãng kỳ vọng ứng dụng thương mại sớm nhất vào 2027. Nếu áp dụng đại trà thành công như dự kiến, công nghệ này của Toyota có thể tạo ra một cuộc cách mạng cho ngành xe điện vốn đang gặp khó để phổ cập vì thời gian sạc đầy quá lâu so với việc tiếp nhiên liệu của xe xăng, dầu.
Bên cạnh những công nghệ như hybrid, thuần điện, Toyota cũng đang tích cực nghiên cứu, ứng dụng những nhiên liệu mới cho động cơ đốt trong. Mục tiêu là đa dạng thêm công nghệ để phục vụ mục tiêu chung giảm phát thải carbon.
Ngay tại Việt Nam, song song hoạt động kinh doanh xe hybrid, Toyota kết hợp với các chuyên gia ở Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn để triển khai Dự án Nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học đối với ô tô thế hệ mới tại Việt Nam. Dự kiến, kết quả dự án giai đoạn 1 sẽ được công bố vào đầu tháng 8.2023.
Xe điện, xe hybrid, xe dùng nhiên liệu sinh học… là cách tiếp cận của Toyota hướng đến tương lai xanh không phát thải. Với hãng Nhật, đỉnh núi trung hòa carbon chỉ có một nhưng con đường dẫn đến đó luôn có nhiều lựa chọn, miễn là kiên định và nỗ lực không ngừng.
Nguồn: thanhnien.vn