Dự án đầu tư PPP mới chững lại

Phát biểu tại hội nghị “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam”, ông Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội là một trong 3 đột phá chiến lược được đề ra trong 3 kỳ Đại hội Đảng liên tiếp.

Nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 – 2025 khoảng 32 – 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 – 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng). Con số trên cho thấy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế – xã hội. Việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro, đầu tư PPP khó hút vốn tư nhân

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu tại hội nghị

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc huy động nguồn lực xã hội thông qua phương thức đối tác công tư (PPP) đã được áp dụng từ lâu. Nguồn lực này đóng góp tích cực trong phát triển hạ tầng xã hội của mỗi quốc gia. Theo xu hướng của thế giới, những năm qua, tại Việt Nam, thông qua phương thức PPP, hàng nghìn tỷ đồng vốn tư nhân đã được huy động xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện cùng các dự án khác góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án PPP Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư PPP và việc triển khai các dự án PPP mới. Theo Bộ Tài chính, số lượng dự án PPP được ký kết nhiều nhất ở giai đoạn 2010 – 2014, tập trung chủ yếu là BOT, BT trong lĩnh vực giao thông. Giai đoạn sau đó (2015 – 2020) tập trung chủ yếu tiếp tục đàm phán một vài dự án BOT điện có vướng mắc trong giai đoạn trước và xử lý các vướng mắc của các dự PPP đã ký hợp đồng.

Từ năm 2021 – thời điểm Luật PPP có hiệu lực cho đến nay có 3 dự án BOT giao thông được chuyển tiếp từ giai đoạn trước và đã ký; 8 dự án mới song đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký kết hợp đồng PPP, trong đó có 7 dự án lĩnh vực giao thông, 1 dự án BTL lĩnh vực nước sạch.

Với số lượng dự án mới khá khiêm tốn như trên, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc  An cho rằng, nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy vai trò dẫn dắt thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Hoàn thiện thể chế thúc đẩy đầu tư PPP

Theo đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, hiện các dự án đầu tư nước ngoài theo phương thức PPP tập trung vào lĩnh vực năng lượng; các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông; các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, văn hoá thể thao… ít có dự án đầu tư PPP.

Đề cập về những vướng mắc khiến các nhà đầu tư tư nhân khó “xuống tiền”, PGS.TS Trần Duy Nghĩa – Chuyên gia tư vấn ADB, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, hiện nay thể chế pháp lý về đầu tư PPP còn hạn chế khiến doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam chịu rủi ro. Trong đó có những rủi ro chưa có cách xử lý.

Thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro, đầu tư PPP khó hút vốn tư nhân

Các nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư PPP

Minh chứng cho nội dung này, ông PGS.TS Trần Duy Nghĩa đề cập đến việc Nhà nước đảm bảo sẽ giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và được quyền thu phí một thời gian, nhưng sau đó vì nhiều lý do, nguồn thu của nhà đầu tư không đảm bảo được nữa.

Nhấn mạnh: vốn mồi của Nhà nước tuy cần thiết nhưng chỉ là một vấn đề. Quan trọng hơn, theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Nhà nước cần xem xét, thấu hiểu rủi ro của doanh nghiệp và cùng chia sẻ rủi ro để nếu rủi ro xảy ra, Nhà nước có sẵn dòng tiền để trả. PGS. TS Phạm Duy Nghĩa đề xuất cần có một cơ quan chịu trách nhiệm dẫn dắt trong vấn đề này.

Là lĩnh vực thu hút nhiều dự án PPP, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng đề cập đến khó khăn trong triển khai. Nhà đầu tư dự án ở thế yếu hơn, đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với các bên. Doanh thu của nhiều dự án giảm so với phương án tài chính ban đầu, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID – 19.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan và chính sách thu hút PPP để tránh chồng chéo; có chính sách chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư như hình thành Quỹ PPP; tách giải phóng mặt bằng – rủi ro lớn với nhà đầu tư để Nhà nước thực hiện, khi có mặt bằng sạch mới kêu gọi đầu tư…