Kế thừa quán hủ tiếu có tiếng gần nửa thế kỷ ở Thủ Đức của cha chồng và người chồng quá cố, cô Lan có những nỗi niềm riêng khó nói hết bằng lời.
Quán ăn “nằm yên” qua 3 đời chủ
Một buổi chiều mùa hè, TP.HCM nồng nàn theo từng vệt nắng hanh hao. Tôi chạy con xe cà tàng đi 20 cây số trở lại Thủ Đức, nơi suốt 4 năm sinh viên “ăn dầm nằm dề”, chạy dọc mấy hang cùng, ngõ hẻm đi ăn, đi học, đi chơi.
Cũng chẳng biết vô tình hay cố ý, tôi dừng xe trước quán hủ tiếu của cô Lan, vốn “xa xỉ” với đám sinh viên tụi tôi khi đó. Mỗi lần đầu tháng cha mẹ gửi tiền, hay khi mới nhận học bổng, là tôi rủ vài đứa bạn thân ra làm một tô cho “sướng” cái bụng.
Thấy tôi ghé ăn, cô niềm nở tiếp chuyện, dù rằng cô cũng chẳng nhớ tôi là ai bởi lâu lắm rồi, 3 – 4 năm gì đó, tôi chưa trở lại quán ăn này. Quán ăn không quá rộng, với vài cái bàn được xếp ngay ngắn trong không gian gia đình, cũng là nhà của cô Lan và người thân bên chồng sinh sống.
Khách thích nhất hủ tiếu bò viên ở quán.
Phía trước, nổi bật với chiếc xe hủ tiếu bằng gỗ có từ thời của cha chồng cô, người Hoa, bán trước năm 1975. Qua nhiều lần san sửa, chiếc xe có phần mới hơn, nhưng vẫn là chiếc xe kỷ niệm năm nào. Cũng giống như mặt bằng của quán ăn này, qua gần nửa thế kỷ với 3 đời chủ vẫn “nằm yên” một chỗ chờ khách ghé.
Hiện tại, mỗi phần ăn ở đây có giá 50.000 – 60.000 đồng/tô. Tôi gọi phần đặc biệt. Thời gian đó, mấy em chồng phụ cô Lan tất bật làm món. Cô kể, năm 1981, cô về đây làm dâu. Từ đó, cuộc đời cô gắn bó với xe hủ tiếu này như một phần không thể thiếu.
Ngày chồng không còn trên cuộc đời, cô Lan hụt hẫng. Cô nói chú là người hiền lành, tử tế, thân thiện với khách dữ lắm. Từ hồi chú mất, khách hỏi thăm miết, mỗi lần như vậy, cô lại nhớ chú, nhớ kỷ niệm của 2 vợ chồng suốt cả đời bên quán hủ tiếu của cha.
Nước lèo trong vắt, khách nói vui nhìn thấy tới… đáy tô
Bình thường, cô chỉ đứng bán. Từ ngày chú mất, cô phải cùng các em chồng lo trong, lo ngoài. Thay vì bán từ sáng tới tối như hồi trước, giờ cô chỉ bán từ 14 giờ tới tối. Cô nói kế thừa quán ăn này vừa là một áp lực, nhưng cũng là niềm hạnh phúc.
“Cảm giác như mình được tiếp nối cha chồng, tiếp nối chồng giữ gìn và phát triển quán ăn. Nhưng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình thật lớn, phải giữ gìn hương vị truyền thống suốt những năm qua không đổi để những thực khách ghé ủng hộ quán không thất vọng”, cô trần tình.
Lát sau, tô hủ tiếu bò viên nóng hổi được đặt trước mắt tôi, thơm phức. Phần hủ tiếu quen thuộc với với bò viên, nạm bò, gân bò với một ít hành lá, rau mùi, tóp mỡ, tiêu xay rắc lên trên cho dậy mùi. Tô hủ tiếu ở đây cũng nổi tiếng với phần nước lèo trong vắt, nhiều khách nói vui có khi còn nhìn thấy tới… đáy tô.
Hủ tiếu ở đây giá dao động từ 50.000 – 60.000 đồng.
Nước lèo thanh, ngọt nước cùng sợi hủ tiếu người Hoa dai mềm phối hợp với nạm bò mềm, bò viên, gân bò dai dai chấm kèm một ít nước chấm ở quán thì quả là “số dzách”. Cá nhân tôi, ăn thấy vừa miệng, chấm 8/10 đáng để thử qua.
Anh Ngọc Nhân (36 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết anh ăn ở đây từ hồi còn đi học, trong một lần được cha dẫn vào. Vì nhà gần nên kể từ đó, mỗi khi thèm hủ tiếu là anh lại ghé.
Niềm hạnh phúc của cô Lan mỗi ngày là được đứng ở quán hủ tiếu này, mang từng phần hủ tiếu đầy tâm huyết tới thực khách xa gần. Điều đó giúp cô có cảm giác cha chồng, chồng mình vẫn ở cạnh bên, cho cô sức khỏe và động lực để duy trì quán ăn truyền đời của gia đình…
Nguồn: thanhnien.vn