Saturday, January 18, 2025

Kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm người phải thi hành án

Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với bộ, ban, ngành lập đoàn kiểm tra, hoặc làm việc về thi hành án hành chính tại các địa phương có các bản án chưa thi hành xong.

TỔ CHỨC DỨT ĐIỂM 56 BẢN ÁN

Hôm 23.3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề nghị quan tâm, chỉ đạo thực hiện và báo cáo tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và kết quả thi hành án (THA) hành chính.

Thứ nhất, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan trên chỉ đạo rà soát và tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành trên địa bàn trong năm 2023. Chỉ đạo kiểm tra, xem xét và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án theo quy định luật Tố tụng hành chính, Nghị định 71/2016 và Chỉ thị số 26 của Thủ tướng.

Kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm người phải thi hành án
Kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm người phải thi hành án

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lụm (ngụ Khánh Hòa) yêu cầu UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP.Nha Trang chấp hành bản án của tòa (ảnh trái); Dù thắng kiện nhưng ông Nguyễn Mạnh Tiến (ngụ TP.Thủ Đức) vẫn mòn mỏi chờ UBND TP.HCM thi hành bản án

Thứ hai, Bộ Tư pháp đề nghị UBND và Chủ tịch UBND 14 tỉnh, TP Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Cà Mau, Đắk Lắk, Kiên Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Tiền Giang có giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm 56 bản án thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành từ năm 2021 trở về trước, nhưng đến nay chưa thi hành xong. Bộ Tư pháp cũng đề nghị chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xem xét và xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong các vụ việc trên theo chỉ đạo của Thủ tướng. Kết quả thực hiện đề nghị gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30.9 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Thứ ba, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với bộ, ban, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, hoặc tổ chức làm việc về tình hình THA hành chính tại các địa phương có các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính chưa thi hành xong.

KHIẾU KIỆN CHỦ YẾU VỀ ĐẤT ĐAI

Hồi tháng 9.2022, Ủy ban Tư pháp Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND.

Theo đó, trong 3 năm (từ 2019 – 2021), cả nước có hơn 21.000 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND bị khởi kiện; chiếm 9% trên tổng số khiếu nại hành chính. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước (2015 – 2017) thì tình hình khiếu kiện hành chính trong 3 năm 2019 – 2021 tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Thứ nhất, số quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND bị khiếu kiện tăng so với giai đoạn trước (tăng gần 9.900 vụ).

Thứ hai, khiếu kiện hành chính tập trung chủ yếu ở các tỉnh, TP lớn, đã và đang có nhiều dự án triển khai phải thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Kiên Giang, Long An…

Các khiếu kiện chủ yếu như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (chiếm trên 9%); trong đó ở nhiều địa phương, khiếu kiện liên quan đất đai chiếm gần 100%.

Thứ ba, số quyết định, hành vi hành chính bị tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ vì trái pháp luật tăng so với giai đoạn trước.

ĐÔN ĐỐC THI HÀNH ÁN CHƯA QUYẾT LIỆT

Trong 3 năm (2019 – 2021), Cơ quan THA dân sự (THADS) đã ban hành kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 136 vụ việc THA. Bộ Tư pháp đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm người phải THA trong 59 vụ việc THA hành chính thuộc trách nhiệm thi hành của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác THA hành chính còn có một số hạn chế. Số lượng bản án hành chính chưa được thi hành còn nhiều (gần 490 bản án), trong đó có 208 bản án đã có quyết định buộc THA của tòa án.

“Hạn chế này trước hết thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND và UBND chưa chấp hành pháp luật nghiêm túc. Tuy nhiên, có phần trách nhiệm của Cơ quan THADS khi chưa có cơ chế theo dõi chặt chẽ, kịp thời kiến nghị, đôn đốc THA hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ THA”, Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu.

Cũng theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, tại một số địa phương, cơ quan THADS chậm ban hành văn bản đôn đốc THA; không gửi thông báo đến cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA để chỉ đạo thực hiện.

Việc cập nhật, theo dõi THA chưa thường xuyên, dẫn đến thống kê chưa đầy đủ về kết quả THA và đôn đốc THA chưa quyết liệt. Một số địa phương, trong 3 năm, Cơ quan THADS không ban hành kiến nghị nào về việc UBND và Chủ tịch UBND không THA, trong khi số lượng án chưa được thi hành còn nhiều hoặc đã kéo dài qua một số năm, ví dụ tại Kiên Giang, Bình Dương…

MỘT SỐ LÃNH ĐẠO UBND KHÔNG Ý THỨC NGHĨA VỤ CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT

Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nguyên nhân là do còn một số UBND và Chủ tịch UBND không ý thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ chấp hành pháp luật, không thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Khi phát sinh khiếu nại của người dân thì “chưa xem xét thấu đáo để kịp thời khắc phục thiếu sót, vi phạm”. Khi người dân khiếu kiện đến tòa án, phát sinh thủ tục tố tụng thì không thực hiện nghiêm túc điều 60 luật Tố tụng hành chính, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, có trường hợp không cung cấp chứng cứ, tài liệu.

“Khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì lại không chấp hành án. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26, yêu cầu UBND, Chủ tịch UBND tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THA hành chính, nhưng những hạn chế này vẫn chậm được khắc phục”, báo cáo nêu.

Ngoài ra còn thiếu sự kiểm tra, xử lý của Chủ tịch UBND, UBND cấp trên đối với Chủ tịch UBND, UBND cấp dưới cũng như sự giám sát của HĐND ở một số địa phương.

Từ những lý do trên, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, yêu cầu thi hành kịp thời, nghiêm túc các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các bản án hành chính còn tồn đọng, nhất là bản án đã có quyết định buộc THA của tòa án.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải THA chậm thi hành, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của tòa án. Đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết số 96 Quốc hội giao “chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật”.

Bộ Tư pháp cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật THA hành chính. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img