Năm 2023, tỉnh Quảng Trị được bố trí 551 tỷ đồng cho 8 dự án ODA. Nhưng đến hết tháng 6 chỉ giải ngân được 49 tỷ đồng, tương đương 9,04%.

Ì ạch giải ngân ODA y tế ở Quảng Trị

Dự án trạm y tế xã Hải Chánh, khởi công tháng 8/2020 đến nay mới hoàn thành 65% khối lượng, nhà thầu rút đi để lại dự án còn ngổn ngang.

Một thập kỷ chưa xong dự án

Quảng Trị là một trong những địa phương được ưu đãi vốn ODA – hỗ trợ phát triển chính thức. Đơn cử, dự án nâng cấp cơ sở vật chất ngành y tế theo Hiệp định vay giữa chính phủ Italy và chính phủ Việt Nam có hiệu lực từ tháng 10/2013, tổng trị giá hơn 73,7 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Italy cho vay ưu đãi 57,7 tỷ đồng, thời hạn thực hiện đến ngày 31/12/2022.

Dự án bao gồm: Hợp phần xây lắp Nhà xét nghiệm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị và 7 trạm y tế cấp xã thuộc huyện Hải Lăng. Hợp phần trang mua sắm trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; Trung tâm y tế và 20 trạm thuộc huyện Hải Lăng. Dự án này do o Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Sở Y tế tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Mặc dù đã hết niên hạn và đã giải ngân hơn 49,5 tỷ đồng đồng, tương đương 67% trên tổng số vốn nhưng đến đầu tháng 7/2023, hai hợp phần dự án vẫn chưa hoàn thành. Đến nay, mới bàn giao Nhà xét nghiệm thuộc CDC tỉnh và 2 trạm y tế. Đối với các trạm y tế xã Hải Sơn, Hải Lâm và thị trấn Hải Lăng, nhà thầu từ chối thi công do không bố trí được nguồn vốn. Một số cơ sở còn lại bỏ dở thi công giữa chừng, gây lãng phí lớn.

Ghi nhận của phóng viên DĐDN tại công trình trạm y tế xã Hải Chánh, khởi công tháng 8/2020 đến nay mới hoàn thành 65% khối lượng, nhà thầu rút đi để lại khối bê tông, ngổn ngang đất đá, trơ trọi giữa cái nắng đổ lửa. Lãnh đạo địa phương không thể trả lời câu hỏi: Bao giờ dự án này hoàn thành?

Cách công trình dang dở này không xa là trạm y tế cũ, xây dựng từ sau năm 1975, đến nay xuống cấp trầm trọng, nhiều vạt tường loang lỗ, bong tróc, nứt toác; cơ sở vật chất cũ kỹ, tồi tàn, tiềm ẩn tai họa với cán bộ, nhân viên và người bệnh. Nhiều cơ sở y tế cấp xã trên địa bàn huyện Hải Lăng hiện nay đang hoạt động dưới tiêu chuẩn “cứng” của Bộ Y tế.

Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh nói: “Chúng tôi khao khát có trạm y tế mới để phục vụ người dân tốt hơn, tuy xã đã về đích nông thôn mới nhưng tiêu chí y tế bị mắc nợ”. Tương tự, trạm y tế xã Hải Trường chỉ còn 15% khối lượng để bàn giao sử dụng. Tuy nhiên, một năm nay, công trình ngừng thi công vì thiếu vốn, khiến người dân rất bức xúc.

Vướng mắc ở đâu?

Chiều ngày 17/7, trao đổi với phóng viên DĐDN, Bác sỹ Trần Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các dự án nêu trên, cho biết các dự án này đang mắc mớ một “rừng” thủ tục pháp lý giữa nhà tài trợ và nhà thầu, nảy sinh vô vàn hệ lụy rất khó tháo gỡ.

Sau khi được chấp thuận tài trợ, phía Việt Nam tổ chức đấu thầu, tiếp đến báo cáo kết quả sang Italy, quá trình này mất khoảng 18 tháng, bước tiếp theo làm hợp đồng ký nháy với bên thi công, chờ thư chấp nhận và ký hợp đồng thi công chính thức. Đến công đoạn này, cảnh sát Italy sẽ rà soát anti-mafia khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Quá trình thanh toán từng gói thầu khá rườm rà. Thẩm định xong khối lượng, nhà thầu làm hồ sơ gửi sang ngân hàng nước bạn, định chế tài chính bên đó sẽ chi trả trực tiếp cho nhà thầu thông qua Cục Quản lý nợ – Bộ Tài chính.

Ông Trần Văn Thịnh cho biết thêm, riêng khâu dịch thuật hồ sơ kém năng lực ngoại ngữ nên phải chỉnh sửa nhiều lần, mỗi thứ một ít dẫn đến dự án cả chục năm chưa hoàn thành. Đối với những công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng là nhờ phía nhà thầu thi công chấp nhận rủi ro, tự bỏ vốn ra thi công chờ thanh toán sau.

Về hợp phần mua sắm thiết bị, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, gói thầu thiết bị đã hoàn thành 90% hợp đồng ký kết. Tuy nhiên đến nay đã hết thời gian thực hiện dự án mà nhà thầu chưa cung cấp đủ số lượng nên chưa thể giải ngân thanh toán số tiền 201.804 EUR do các mặt hàng hiện tại không còn sản xuất theo Model như hợp đồng đã ký.

Do Hiệp định vay vốn ODA đã hết hiệu lực nên UBND tỉnh Quảng Trị vừa gửi văn bản đến các Bộ, ngành liên quan xin gia hạn dự án đến hết năm 2024. Và như vậy, nhiều công trình y tế còn “đắp chiếu”, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh rất cấp thiết của người dân.