PNO – Những đôi ballet mỏng manh, dịu dàng, vốn dùng nâng đỡ đôi chân các nghệ sĩ múa một lần nữa trở lại đường phố.
Một mẫu giày ballet thanh lịch |
Không ồn ào, gây chú ý như những đôi giày quá khổ cũng không lập tức gây ấn tượng như giày gót hình học; sức hút thầm lặng của kiểu giày này được chứng minh khi chúng liên tục được nhiều người nổi tiếng ưa chuộng.
Sức hút thầm lặng
Những đôi giày bệt vốn được xem là biểu tượng của vũ công ballet, lại được đánh giá là “kém sang” để diện cùng trang phục thường nhật. Vì phần đế bằng phẳng, ballet không được phái đẹp ưa chuộng nếu cần tôn dáng. Còn khi ra phố, giày thể thao, sandals hoặc những đôi dép kẹp trở thành phụ kiện được ưu tiên.
Tuy nhiên, ở giai đoạn mọi giới hạn thời trang bị phá vỡ, người ta đã chán ngán những thứ theo quy tắc, đồng thời muốn vươn đến những giới hạn mới mẻ hơn thì giày ballet cho thấy vị thế của nó, thầm lặng mà vững vàng. Không chỉ đi cùng váy áo bồng bềnh, ballet còn có thể diện với quần shorts, bộ vest, quần jeans, quần tây ống rộng hoặc điệu đà với yếm và áo khoác da hay bất cứ thứ gì bạn cảm thấy phù hợp.
Trang Travel + Leisure gợi ý một số mẫu giày ballet tốt nhất cho những chuyến du lịch |
Có 3 lý do khiến giày ballet được ưa chuộng đến như vậy. Thứ nhất, sự thoải mái và chiều chuộng đôi chân mà kiểu giày này mang lại là điều không cần bàn cãi. Thứ hai, dáng vẻ tinh tế, dịu dàng và sang trọng của giày ballet áp đảo những đôi dép xỏ ngón hay những đôi giày thể thao hầm hố. Cuối cùng, chính là sự đa dạng trong cách phối của giày ballet. Bạn có thể mang một đôi ballet với dây cột chéo nguyên mẫu trên cổ chân; bạn cũng có thể mang những đôi ballet cách điệu, đơn giản là mang vào đi được ngay hoặc kết hợp cùng vớ giữ ấm chân như cách nhà mốt Miu Miu gợi ý trong bộ sưu tập thu – đông 2022. Thiết kế nơ trắng, vải satin cùng quai thun lấy cảm hứng từ các vũ công ballet phối cùng vớ cao cổ, váy xếp li, quần shorts da, váy ngắn… cho thấy một xu hướng thời trang mới. Sự kết hợp thoạt đầu gây choáng này đã thổi bùng lên làn sóng balletcore trên các nền tảng mạng xã hội.
Ở khía cạnh ngược lại, xu hướng này cũng thúc đẩy các nhà sản xuất, người làm thiết kế sáng tạo hơn để cho ra những mẫu giày đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Có cả những đôi ballet được tách rời từng phần (phần ngón có thể chuyển thành giày hở mũi, phần quai buộc ở chân cũng không may cố định vào giày) như cách nhà mốt Tory Bruch đã làm. Về chất liệu, ngoài giày ballet vải còn có những đôi ballet da, nhựa trong suốt hay được làm từ sợi tái chế, chống thấm nước thích hợp cho cả những cơn mưa hè bất chợt. Về màu sắc, giày ballet có đủ sắc độ, từ màu đơn đến màu đôi như đôi giày trompe-l’oeil – biểu tượng của nhà mốt Chanel.
Giày ballet kết hợp cùng vớ cao cổ |
Lịch sử huy hoàng
Người đã mang đến cho giày ballet sự thay đổi ngoạn mục như ngày nay là nữ vũ công người Pháp Marie Camargo. Do đặc trưng nghề nghiệp, bà hiểu những đôi giày ballet cao gót từng thịnh hành suốt 7 thế kỷ trước đó, kể từ thời Phục hưng, gây rất nhiều khó khăn cho vũ công khi trình diễn. Thậm chí những đôi giày này còn gây chấn thương và không thể phô hết vẻ đẹp của các điệu múa. Do đó, bà mạnh dạn bỏ đi phần đế của chúng nhằm mang đến sự thoải mái cho đôi chân. Bà cũng là người đầu tiên trình diễn ballet bằng đôi giày đế bệt cột dây.
Một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử giày ballet là Rose Repetto. Con trai của nhà thiết kế giày người Ý là một vũ công nổi tiếng. Rose đã tự tay làm những đôi giày ballet để con trai sử dụng trong các buổi biểu diễn.
Giày ballet tại Tuần lễ thời trang Paris |
Vào những năm 1900, đôi giày này ra mắt lần đầu trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Claire McCardell. Vì say mê vẻ đẹp thanh khiết của giày ballet, bà đã đặt hàng người thợ đóng giày Salvatore Capezio tạo ra phiên bản ngoài sân khấu để đấu giá. Kết quả, những đôi ballet được chào đón nồng nhiệt và lan tỏa rộng rãi còn người thợ đóng giày Capezio được ghi vào lịch sử thời trang.
Được người thợ đóng giày Jacob Bloch (London, Anh), điều chỉnh để phù hợp với độ nhám của nhựa đường vào năm 1930, giày ballet vươn lên tầm cỡ thời trang cao cấp nhờ Rose Repetto và Salvatore Ferragamo, theo chân những biểu tượng thời trang thập niên 1950 và 1960.
Các ngôi sao điện ảnh đình đám thời kỳ đó (Brigitte Bardot, Audrey Hepburn…) đều ưa chuộng kiểu giày này. Bằng chứng là sự đổ bộ của hàng loạt đôi giày đế bệt trong các bộ phim nổi tiếng như And God Created Woman (Và Chúa đã tạo ra đàn bà), Cinderella in Paris (Lọ Lem ở Paris), Breakfast at Tiffany’s (Bữa sáng ở Tiffany’s)… Đặc biệt, nhân vật Juliette trong bộ phim And God Created Woman do nữ diễn viên người Pháp – Brigitte Bardot – thủ vai đã trở thành một biểu tượng thời trang nhờ đôi giày bệt màu đỏ do Repetto thiết kế.
Audrey Hepburn trong một mẫu giày ballet đính đá sang trọng |
Thập niên 1990, khoảnh khắc siêu mẫu Kate Moss diện chiếc quần skinny jeans phối cùng blazer Saint Laurent, mang giày ballet đế bệt hay hình ảnh công nương Diana xuất hiện đằm thắm trong một đôi ballet trắng cho thấy sự ảnh hưởng bền bỉ, sâu rộng của mẫu giày trên.
Sức hút của giày ballet bắt đầu lụi tàn cho đến khi hồi sinh vào những năm 2010. Đó là thời đại những chiếc quần jeans skinny, áo blazer dáng rộng và giày đế bằng một lần nữa lên ngôi. 6 năm sau, thời trang Miu Miu ra mắt phiên bản giày ballet và nhanh chóng thu hút các tín đồ thời trang. Nhiều người nổi tiếng, từ Taylor Swift đến Rihanna đều bắt đầu thích diện những phiên bản giày này.
Hiện tại, không chỉ có các ngôi sao Âu, Mỹ mà các thần tượng âm nhạc Hàn Quốc hay những blogger thời trang cũng xem giày ballet là món đồ phải có trong tủ giày.
Hình ảnh Brigitte Bardot cùng đôi giày ballet đỏ đã trở thành biểu tượng thời trang qua bộ phim And God Created Woman (Và Chúa đã tạo ra đàn bà) |
Nhã Ca
Ảnh: Internet
Nguồn: phunuonline.com.vn