Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước từ đầu năm tới hết tháng 7/2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 267.625 tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối.

Vẫn "nhức nhối" câu chuyện “có tiền mà không tiêu được”

Tình trạng “xin trả lại” vốn lại tiếp tục, dù ngay từ đầu năm Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không được để tình trạng này xảy ra.

Tuy nhiên, thông tin đáng chú ý được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đó là đến ngày 31/7/2023, có 7 địa phương dù đã thực hiện phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 đã được giao nhưng vẫn kiến nghị điều chỉnh giảm kế hoạch để điều chuyển cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu. Số vốn đề nghị giảm là hơn 1.758 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 1.230 tỷ đồng và vốn nước ngoài là trên 528 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất điều chỉnh giảm là hơn 7.112 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là trên 5.582 và vốn nước ngoài là trên 1.529 tỷ đồng.

Ngược lại, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án. Tổng số vốn đề xuất là hơn 5.093 tỷ đồng; trong đó vốn trong nước là hơn 4.871 tỷ đồng và vốn nước ngoài là hơn 222 tỷ đồng.

Như vậy, tình trạng “xin trả lại” vốn lại tiếp tục, dù ngay từ đầu năm Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không được để tình trạng này xảy ra, các bộ ngành, địa phương phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Không chỉ một số bộ ngành, địa phương giải ngân chậm, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến thời điểm này khoảng hơn 60.000 tỷ đồng, chiếm 8,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao vẫn chưa được phân bổ chi tiết. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 23,772 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 36.541 tỷ đồng. Điều này đặt ra áp lực lớn những tháng cuối năm, không chỉ cần phân bổ hết vốn mà phải thúc đẩy giải ngân. Hiện vẫn còn khoảng hơn 400.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2023 cần phải giải ngân từ nay tới cuối năm.

Bình luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, một trong những nguyên nhân là tình trạng vốn chờ dự án, dự kiến vốn trước rồi mới làm hồ sơ các bước tiếp theo, trong đó có vốn ODA, nên có tình trạng bộ, ngành xin trả lại hồ sơ và trả lại vốn vì chưa đầy đủ. Việc này gây áp lực lớn cho ngân sách phải trả lãi trần nợ công mà chưa giải ngân được. Mặt khác, cũng có trường hợp lập hồ sơ sơ sài để được phê duyệt vốn, sau đó mới hoàn chỉnh hồ sơ.

Từ những bất cập trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các nơi giải ngân chậm, cương quyết điều chuyển vốn những nơi giải ngân chậm sang các nơi giải ngân tốt, thiếu vốn hoặc có hồ sơ đầy đủ, có chất lượng để kích thích cho các địa phương, bộ, ngành làm tốt công tác giải ngân gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

Còn theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên), thực tiễn cho thấy việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình dự án, có phần là do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.

Từ chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội, thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng đại biểu Tạ Thị Yên chỉ ra rằng cấp cơ sở tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm thì rất khó thúc đẩy xã hội phát triển.

Trong khi Quốc hội khẩn trương làm ngày, làm đêm để các chủ trương, chính sách mới sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhưng kết quả đạt được còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo nguồn lực tài chính công. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê bình hiện tượng này và đã từng nói thẳng “ai không làm thì đứng sang một bên”.

“Nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại, vì đứng đằng sau chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ.

Do đó, đại biểu Tạ Thị Yến đề nghị Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.