Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, 7 tháng đầu năm 2023 có 1.303 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, 302 doanh nghiệp giải thể, số doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 89%). Luỹ kế trên địa bàn tỉnh hiện có 1.464 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 4.833 doanh nghiệp thuộc tình trạng pháp lý khác, dừng hoạt động.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị BCH lần thứ IV nhiệm kỳ 2022-2027 của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại Vân Đồn vừa qua.

“Gỡ khó” về thuế và tiếp cận nguồn vốn

Tại hội nghị, ông Phạm Văn Thể, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, mặc dù lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, các Sở ban ngành rất quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp, đã tổ chức các buổi tiếp xúc trực tiếp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến luật, đến các bộ ngành nên rất khó giải quyết vì vượt khỏi tầm giải quyết của tỉnh.

"Gỡ khó" cho doanh nghiệp Quảng Ninh

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh chia sẻ những khó khăn doanh nghiệp Quảng Ninh đang phải đối mặt

Đối diện với những khó khăn chung, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã nỗ lực triển khai mọi mặt hoạt động với nội dung và cách thức tổ chức phù hợp, thiết thực, góp phần giảm thiểu áp lực, hỗ trợ ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ông Đào Duy Hảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện lãi suất ngân hàng còn quá cao so với mục tiêu cắt giảm lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, do vậy, Hiệp hội chú trọng quan tâm, thường xuyên tiếp nhận ý kiến và xử lý phản ánh của doanh nghiệp về các vấn đề này.   

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp liên quan đến vốn vay, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hiệp hội đã đưa ra những bất cập trong các quy định pháp luật, thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm tăng chi phí doanh nghiệp; việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự đi vào thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, hiệu quả hỗ trợ chưa cao…để tìm ra các giải pháp hữu ích, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh.

Theo ông Lương Nguyên Thán, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp lý và hỗ trợ Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức tư vấn cho 20 doanh nghiệp và tổng hợp, hỗ trợ 5 Hiệp hội doanh nghiệp địa phương, Hiệp hội Du lịch, Chi hội Tàu Du lịch chuyển các ý kiến của hội viên đến UBND tỉnh và được giải đáp dưới nhiều hình thức: mời doanh nghiệp đến UBND tỉnh trực tiếp trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho từng lĩnh vực ngành nghề, Hội nghị chuyên đề, Cafe doanh nhân hàng tuần. Nhiều vấn đề của doanh nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết cụ thể. Trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp, Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã nghe và quyết nghị sửa đổi những Nghị quyết của Ban Chấp hành không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế giai đoạn mới.

Việc tổ chức các Hội nghị hướng dẫn pháp luật chưa được triển khai đồng đều ở các địa phương, Hiệp hội ngành nghề đã phần nào làm giảm hiệu quả hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp, đòi hỏi Ban Chấp hành Hiệp hội cần nghiên cứu những biện pháp tích cực thúc đẩy, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm trước cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh sẽ tích cực tổ chức nhiều hơn nữa hoạt động chắp nối, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, hỗ trợ triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu quảng bá sản phẩm…

Chuyển đổi số để thích ứng

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được xem là hướng đi bắt buộc để các doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển. Nhiều doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin và bước đầu thành công.

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã thành lập Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp. Hiện Trung tâm đang tiến hành liên kết với các đối tác chiến lược nền tảng: VIETTEL, VNPT, WINDOO…tư vấn – hoạch định giải pháp số cho các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực: thương mại, sản xuất công nghiệp, du lịch, thủy sản, nông nghiệp. Lập phiếu khảo sát mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp; xác định nhu cầu doanh nghiệp chuyển đổi số trong năm 2023; soạn thảo tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; xây dựng Kế hoạch phối hợp với sở Công thương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên các sàn Thương mại điện tử.

Để giúp hội viên thích ứng với nền kinh tế số, Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đang phối hợp với VNPT Quảng Ninh xây dựng phần mềm Quản lý văn bản, hiện đang áp dụng thí điểm tại Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Thông qua ứng dụng, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh truyền tải một cách nhanh chóng, trực tiếp các nội dung tuyên truyền, tập trung các chính sách pháp luật mới, kỹ năng quản lý doanh nghiệp và chương trình chuyển đổi số, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tình hình phát triển kinh tế thị trường trong và ngoài tỉnh…giúp các doanh nghiệp chủ động trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh, phục hồi sản xuất.

"Gỡ khó" cho doanh nghiệp Quảng Ninh

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  đánh giá cao việc đồng hành của chính quyền tỉnh Quảng Ninh với cộng đồng doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao việc đồng hành của chính quyền tỉnh Quảng Ninh với cộng đồng doanh nghiệp. Ông cũng ghi nhận sự tích cực của Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh khi đã thành lập được hai trung tâm tư vấn pháp lý và tư vấn chuyển đổi số để hỗ trợ hội viên liên kết, kết nối. Hiệp hội cũng xây dựng được một ban chấp hành gắn kết, có sự đóng góp của toàn bộ BCH và hội viên, liên kết chặt chẽ với các cơ quan trong tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cần phải tận dụng lợi thế của tỉnh mình để xây dựng một Quảng Ninh xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững, xây dựng những doanh nghiệp vị tự nhiên, thông qua các hoạt động của mình tạo nên những tác động tích cực đến môi trường.